WHO cảnh báo phải đối phó khẩn cấp với biến thể Delta Plus
Cập nhật lúc 16:12, Thứ năm, 01/07/2021 (GMT+7)
Biến thể Delta plus dễ dàng tấn công các tế bào phổi hơn các chủng nCoV khác và có khả năng chống được các kháng thể.
Ảnh minh họa: Reuters
Mới được phát hiện gần đây nhưng biến thể Delta Plus (hay còn gọi là B.1.617.2.1 hoặc AY.1) đã khiến các nhà khoa học lo ngại. Chủng virus này mang các độc tố tương tự biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) và thêm đột biến.
Hiện tại, Delta Plus đã lan tới 11 nước với khoảng 200 ca bệnh được ghi nhận. Trong đó, Mỹ có số ca nhiễm nhiều nhất (83 người) kế tiếp là Ấn Độ (48 người, 1 người tử vong), Anh (43 người).
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga, Melita Vujnovic, cho biết, biến thể Delta Plus có khả năng lây lan cao hơn, cần được phòng chống bằng tiêm vắc xin và các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang.
“Chỉ tiêm phòng là không đủ. Mọi người cần kết hợp với đeo khẩu trang. Chúng ta phải nỗ lực nhanh chóng nếu không sẽ lại phải áp dụng phong tỏa”, bà Vujnovic nói.
Tiêm phòng vắc xin là điều cần thiết vì làm giảm xác suất lây lan virus SARS-CoV-2 và giảm nguy cơ mắc bệnh nặng phải nhập viện.
Biến thể Delta plus dễ dàng xâm nhập các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng, là phương pháp truyền kháng thể vào tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus.
Delta Plus có một đột biến bổ sung được gọi là K417N mà biến thể Delta thông thường không có. Đột biến này ảnh hưởng đến protein gai, một phần của virus SARS-CoV-2.
Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London (Anh) cho biết, K417N không hoàn toàn mới. Đột biến này đã được tìm thấy ở Qatar vào tháng 3/2020 và trong biến thể Beta, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào mùa thu năm ngoái.
Ông Balloux nói thêm: “Đột biến có thể góp phần giúp virus thoát khỏi hệ miễn dịch, nhưng tác động của nó lên khả năng lây truyền chưa rõ ràng”.
Tất cả các loại virus đều biến đổi liên tục. Một số thay đổi làm cho virus lây nhiễm hoặc tái tạo tốt hơn, trong khi những thay đổi khác có ít tác dụng hoặc thậm chí có hại cho virus. Cho đến nay, đã có khoảng 160 chủng virus corona được giải mã trên toàn cầu.
Chính phủ Ấn Độ cho biết biến thể Delta cũng có những phiên bản đột biến khác nhưng Delta Plus (AY.1) được biết tới nhiều nhất. Vào đầu tháng 6, WHO đã đưa biến thể Delta vào danh sách các biến thể đáng lo ngại khi chủng này trở nên phổ biến và gây ra sự bùng phát dịch.
Theo vietnamnet