Một cuộc khảo sát từ các nhân viên y tế vào tháng 3/2021 của Quỹ Kaiser Family Foundation (Mỹ) cho thấy, phần lớn các trường hợp từ chối tiêm chủng là do lo ngại về tác dụng phụ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều người cũng từ chối tiêm chủng vì muốn đợi loại vắc xin tốt hơn, dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định có một loại vắc xin nào đó tốt hơn những loại khác.

Theo các nghiên cứu, những vắc xin phổ biến như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm đều giúp ngăn chặn nguy cơ chuyển biến nặng và nhập viện do COVID-19, với hiệu quả trên 90%.

Dữ liệu từ các thống kê cho thấy, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hiện có số ca nhiễm và nhập viện giảm rõ rệt. Ngược lại, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì ca nhập viện và mắc mới tăng cao. 

Theo WHO, các phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm thay đổi từ nhẹ đến trung bình và kéo dài trong thời gian ngắn. Chúng bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy và đau tại chỗ tiêm. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn đối với vắc xin như rối loạn đông máu, viêm cơ tim có thể xảy ra nhưng cực kỳ hiếm. Mặt khác, các loại vắcxin vẫn đang được nghiên cứu, giám sát liên tục để phát hiện các tác dụng phụ hiếm gặp và sửa đổi nhằm bắt kịp các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Hiện tại, các chuyên gia lo ngại rằng, những người chưa tiêm chủng đang có cảm giác an toàn giả khi thấy quốc gia dỡ bỏ giãn cách, vì nhiều biến thể dễ lây truyền hơn có thể nhanh chóng lây lan ở những khu vực tập trung đông người chưa được tiêm chủng.

Mới đây, cố vấn y tế của Nhà Trắng - tiến sĩ Anthony Fauci - cảnh báo, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 20% số ca COVID-19 mới được chẩn đoán ở Mỹ và sẽ trở thành chủng thống trị trên toàn quốc trong vài tuần tới. Riêng tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ - cho biết biến thể Delta có khả năng siêu lây truyền và kêu gọi mọi người phải tiêm phòng đầy đủ. 

Theo phunuonline