Thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc của cái tên “narcissism” (bệnh ái kỷ) bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Câu chuyện kể về chàng Narcissus có dung mạo tuấn tú, nhưng lại không thể yêu ai. Một ngày nọ thấy bóng mình trên mặt nước, chàng đã say mê bản thân đến mức héo mòn.
Theo bài viết trên Chanel NewsAsia, chàng Narcissus hẳn đã gặp một dạng bệnh lý tâm thần, và rất nhiều người có thể đang mắc chứng này nhưng không nhận ra.
|
|
Một hình ảnh hay được gán với người ái kỷ là sự yêu thích bản thân trong gương. Ảnh minh họa: iStock |
Bệnh ái kỷ là gì?
Bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ - narcissism) là bệnh lý tâm thần được đặc trưng bởi những người ảo tưởng và chỉ quan tâm đến bản thân mình. Theo nghiên cứu, bệnh lý này tương đối hiếm gặp nhưng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động của người bệnh trong các mối quan hệ công việc và xã hội.
Bệnh ái kỷ thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Người bị bệnh ái kỷ thường có các triệu chứng: Thổi phồng tài năng và khả năng của mình, phóng đại tầm quan trọng của bản thân, luôn coi bản thân là trung tâm của sự chú ý và xứng đáng được đối xử đặc biệt. Họ có thể phản ứng thái quá khi nhận được những lời nhận xét, góp ý từ ai đó.
Họ cho rằng thành công của mình là vượt trội và cần được công nhận trong khi lại đánh giá thấp thành tựu của người khác. Họ cảm thấy họ chỉ nên quan hệ với những người đặc biệt và tài năng như họ chứ không phải những người bình thường.
Triệu chứng thường gặp
Người mắc chứng rối loạn nhân cách tự ái có xu hướng tập trung vào câu chuyện, trải nghiệm và suy nghĩ cá nhân, khao khát nhận được sự chú ý, ngưỡng mộ từ mọi người.
Vì bệnh nhân mắc chứng rối loạn ái kỷ có nhu cầu phải được ngưỡng mộ, họ rất nhạy cảm và hay để ý người khác nghĩ và đánh giá họ ra sao. Họ bận lòng bởi những lời chỉ trích của người khác. Sự thất bại làm họ cảm thấy bị xấu hổ hoặc bị đánh bại. Họ có thể phản ứng với cực kỳ gay gắt hoặc tỏ ra khinh thường ý kiến của người khác.
Trong các mối quan hệ, bệnh nhân luôn kỳ vọng sự thấu hiểu và công nhận từ đối tác và bạn bè nhưng bản thân lại thiếu đồng cảm và ghen tị với những người khác. Họ thường không nhận thức được tác động hành vi của họ đối với người khác.
Người bệnh luôn có xu hướng thổi phồng tài năng và khả năng của mình, phóng đại tầm quan trọng của bản thân.
Làm sao chẩn đoán bệnh ái kỷ
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sỹ tâm lý có thể chẩn đoán chứng bệnh này thông qua việc nghiên cứu tiền sử bệnh lý cũng như quan sát các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.
Thêm vào đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành một số bài kiểm tra khác nhằm xác định xem bệnh nhân có đang gặp phải một số vấn đề liên quan đến hội chứng này không.
Nguyên gây của rối loạn ái kỷ là gì?
Nguyên nhân gây ra bệnh ái kỷ vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Có nhiều giả thiết cho rằng gene di truyền là một nguyên nhân quan trọng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của môi trường, văn hóa cũng có thể dẫn tới căn bệnh này. Các vấn đề về tâm sinh lý cũng có thể là nguyên nhân như bị ngược đãi, bỏ bê hoặc nuông chiều và khen ngợi quá mức... Do người bệnh có trạng thái tâm lý thất thường, đôi khi bệnh lý này dẫn đến nguy cơ tự hại.
|
|
Những người ái kỷ có xu hướng tầm thường hóa người xung quanh. Ảnh minh họa: Reuters |
Ái kỷ có thể trị được không?
Trên thực tế, bệnh tâm lý ái kỷ là một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ mắc không cao nhưng rất khó chữa trị. Nguyên nhân có thể do người bệnh không nghĩ rằng họ bị bệnh và không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý, hướng dẫn bệnh nhân suy nghĩ theo lối tích cực hơn. Các chuyên gia tâm thần sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu sắc về bản thân họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như vậy để giúp cải thiện hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân.
Thực tế, không có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh ái kỷ. Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị bệnh ái kỷ tốt nhất được các bác sĩ tâm thần sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện hàng ngày với bệnh nhân để tạo mối quan hệ thân mật.
Ngoài ra, còn có một phương pháp khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra niềm tin và hành vi không lành mạnh đồng thời thay thế bằng những hành động tích cực hơn. Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm cũng đôi khi được dùng ở bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo âu.
Người bệnh ái kỷ cần áp dụng những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh ái kỷ như: Có chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm bớt các tương tác không cần thiết trên mạng xã hội,cố gắng giảm căng thẳng bằng cách thiền hoặc thể dục, sống cởi mở, hòa đồng với mọi người. Họ có thể chủ động tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng mà mình đang có, từ đó có những cách điều trị phù hợp.
Hãy đến cơ sở y tế nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác.
Theo Zingnews