Nạn buôn người nhức nhối trên toàn thế giới

Hơn 20 triệu nạn nhân mang về "món hời" hàng trăm tỷ USD

Cơ quan LHQ chống ma túy và tội phạm (ONUDC) đã đưa ra báo cáo cho biết, cưỡng bức lao động là hình thái phổ biến thứ hai của nạn buôn người. Cưỡng bức lao động đã tạo ra khoảng 150 tỷ USD hàng năm cho những nhóm người hoạt động phi pháp. 21 triệu người phải làm những công việc mà họ bị ép buộc. Số nạn nhân lao động cưỡng bức lớn nhất thế giới tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 11,7 triệu người (chiếm 56%) trong tổng số toàn cầu. Những khu vực có lượng nạn nhân đông đảo tiếp theo lần lượt là châu Phi với 3,7 triệu người (18%) và Mỹ Latinh với 1,8 triệu nạn nhân (9%).

Hầu hết các nạn nhân của lao động cưỡng bức làm việc trong các lĩnh vực tư. Cụ thể, trong 21 triệu nạn nhân thống kê được, có đến 18,7 triệu người (90%) được khai thác trong nền kinh tế tư nhân bởi các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Trong đó, nạn nhân của nạn bóc lột tình dục là 4,5 triệu người (22%), trong khi nạn nhân của việc bóc lột sức lao động trong các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, xây dựng, công việc nội địa hoặc sản xuất là nhiều nhất với 14,2 triệu người (68%). Trong tổng số các nạn nhân bị cưỡng bức lao động, có 5,5 triệu nạn nhân (26%) dưới 18 tuổi.

Tổng số lợi nhuận thu được từ việc sử dụng lao động cưỡng bức trong nền kinh tế tư nhân trên toàn thế giới lên tới 150 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn lợi nhuận được tạo ra ở châu Á. Lợi nhuận hàng năm trên mỗi nạn nhân là cao nhất trong các nền kinh tế phát triển (34.800 USD mỗi nạn nhân), tiếp theo là các quốc gia ở Trung Đông (15.000 USD/nạn nhân) và thấp nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (5.000 USD/nạn nhân) và ở châu Phi (3.900 USD/nạn nhân).

Lao động trẻ em

Trên toàn cầu, 2/3 số lợi nhuận từ lao động cưỡng bức được tạo ra bằng cưỡng bức khai thác tình dục, ước tính khoảng 99 tỷ USD mỗi năm. Trong tính toán các lợi nhuận, người ta cho rằng tiền lương và chi phí trung gian chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của các nạn nhân lao động cưỡng bức khai thác tình dục.  Nạn nhân của việc bóc lột sức lao động, kể cả trong nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác, tạo ra khoảng 51 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. Trong đó, các sản phẩm từ lao động cưỡng bức trong nông nghiệp, bao gồm cả lâm nghiệp và đánh bắt cá, ước tính 9 tỷ USD mỗi năm. Lợi nhuận cho các hoạt động kinh tế khác ước tính khoảng 34 tỷ USD mỗi năm, bao gồm xây dựng, sản xuất, khai thác và tiện ích. Lợi nhuận bình quân đầu người cao nhất trong khai thác tình dục cưỡng bức có thể được giải thích bởi nhu cầu cho các dịch vụ đó và khách hàng sẵn sàng trả giá cao, cộng với mức đầu tư vốn và chi phí hoạt động thấp liên quan đến hoạt động này.

Theo LHQ, mỗi năm có hàng nghìn người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em chiếm 71% trong số 17.752 nạn nhân buôn người được phát hiện ở 85 quốc gia (51% là phụ nữ và 21% là trẻ em gái). Ở Đông Á và Thái Bình Dương, nữ chiếm 77% nạn nhân, trong đó 51% là phụ nữ và 26% là trẻ em gái. Tại Trung Á, 35% nạn nhân buôn bán người là phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là vấn nạn lớn tại các quốc gia Đông Nam Á khi mà nhu cầu về nhân lực rẻ mạt ngày càng tăng và lợi nhuận từ buôn bán người ngày càng cao. Một nửa của các nạn nhân được phát hiện là phụ nữ trong khi gần 1/3 nạn nhân là trẻ em nhằm phục vụ nhu cầu tình dục (60%), lao động cưỡng bức (32%).

Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chủ yếu của bọn buôn người

Ở châu Á- Thái Bình Dương, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị buôn bán, lợi dụng phụ nữ, trẻ em gái: nghèo đói, trình độ học vấn thấp, bạo lực và phân biệt đối xử. Trong một số trường hợp, cha mẹ và các thành viên trong gia đình có liên quan đến buôn bán con gái của mình. Bị buôn bán và bóc lột là hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nhưng trong bối cảnh tội phạm, nạn nhân của buôn người thường trải qua bạo lực tâm lý, thể chất và tình dục dưới bàn tay kẻ buôn người và bóc lột. Nạn nhân của buôn người là người chuyển giới cũng dễ bị bạo lực nhưng nhóm này thường không được quan tâm.

Những cung đường tội lỗi

Đường dây buôn bán cô dâu Pakistan sang Trung Quốc hoạt động mạnh hơn trong một năm nay, cho thấy đàn ông Trung Quốc ngày càng đi xa hơn tìm vợ do sự thiếu hụt phụ nữ ở nước này. Muqadas Ashraf mới 16 tuổi khi bị cha mẹ gả cho người chồng Trung Quốc. Nhưng chỉ 5 tháng sau, cô trở về Pakistan nộp đơn ly dị dù đang mang thai và nói bị chồng lạm dụng. Muqadas và nhiều cô gái khác từ các gia đình nghèo theo đạo Thiên Chúa ở Pakistan đã bị bán sang Trung Quốc theo các đường dây xuất khẩu cô dâu đang hoạt động mạnh hơn do các tay môi giới cầm đầu. Chúng thường nhắm vào cộng đồng Thiên Chúa giáo nghèo khó ở Pakistan và tìm đến những cha mẹ túng quẫn nhất để đề nghị mua con gái. Các cô dâu thường bị cưỡng ép lấy những người chồng sống ở vùng hẻo lánh của Trung Quốc. Họ bị lạm dụng, không thể giao tiếp, thậm chí phải phụ thuộc vào một ứng dụng dịch thuật, dù chỉ để xin một cốc nước.

Buôn bán cô dâu Pakistan sang Trung Quốc

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Trung Quốc và Pakistan hành động để chấm dứt buôn bán cô dâu và nhắc đến “các bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ trở thành nô lệ tình dục ở Trung Quốc”. Còn Saleem Iqbal, một nhà hoạt động theo đạo Thiên Chúa, nói với báo AP rằng ông bắt đầu chứng kiến số lượng đáng kể cô dâu bị gả cho đàn ông Trung Quốc từ tháng 10/2018. Kể từ đó, khoảng 750-1000 cô dâu đã bị gả.

Không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhiều nhóm buôn người vào Liên minh châu Âu (EU) đã đặt căn cứ ở các khu dân di cư trong thành phố rộng lớn Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Khu Kumkapi thuộc quận Fatih của Istanbul được xem là trung tâm buôn người. Đây là con đường chạy song song với thánh đường Hồi giáo Katip Kasim. Người dân địa phương gọi bọn buôn người từ Thổ Nhĩ Kỳ sang EU là "kacakci" - đó là từ chủ yếu được sử dụng bởi những người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và người châu Á. Mỗi một cộng đồng sắc tộc ở Kumkapi đều có riêng các mạng lưới buôn người của nó. Một nhà ngoại giao phụ trách các vấn đề về an ninh trong Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Athens của Hy lạp cho biết một số tổ chức buôn người lớn có các chi nhánh ở châu Âu hoạt động rất kín kẽ đến mức cảnh sát hay các sĩ quan tình báo cũng khó thể lần ra được nhóm đầu não của chúng.

Phụ nữ bị ép vào con đường mại dâm

Anna Triandafyllidou - giáo sư ở Trung tâm nghiên cứu Robert Schuman ở Florence (Italia) và đồng tác giả cuốn sách về buôn người nhập cư - cho biết không có bằng chứng cho thấy có sự liên kết giữa mafia và bọn buôn người nhập cư. Trong khi đó, Michel Koutouzis - chuyên gia người gốc Hy Lạp về buôn lậu ma túy ở Paris (Pháp) - nhận định hoạt động buôn người nằm dưới sự chi phối mạnh của các gia đình mafia người Thổ Nhĩ Kỳ - những gia đình tội phạm này kiếm được hàng chục triệu USD mỗi năm nhờ các hoạt động phi pháp. Mỗi hành trình đưa người nhập cư trái phép vào EU trải qua nhiền chặng từ chi nhánh này đến chi nhánh khác của kacakci ở châu Âu. Mỗi khi bước vào một chặng đường mới thì người nhập cư trái phép phải chi tiền cho bọn kacakci. Tại quận Zeytinbumu thành phố Istanbul, kacakci đòi gần 2.000 USD để đưa một người Afghanistan vào Hy Lạp.

Bọn buôn người đưa các nạn nhân vượt biên vào châu Âu

Theo phunuvietnam