Năm 2020, Diana Zurco trở thành người dẫn chương trình chuyển giới đầu tiên của bản tin truyền hình Argentina. Ảnh: AFP
Thiết lập hạn ngạch việc làm cho người chuyển giới
Theo cộng đồng LGBT của Argentina, 95% người chuyển giới không có việc làm chính thức, trong đó nhiều người buộc phải làm việc trong ngành công nghiệp tình dục nơi họ phải đối mặt với bạo lực trong nhiều năm qua.
Mặc dù vậy, năm 2020 đã chứng kiến những tín hiệu lạc quan về sự bình đẳng đối với người chuyển giới tại Argentina. Diana Zurco trở thành người dẫn chương trình chuyển giới đầu tiên của bản tin truyền hình quốc gia, Mara Gómez được Hiệp hội bóng đá Argentina cho phép thi đấu ở giải nữ chuyên nghiệp, giọng nữ cao María Castillo de Lima là nghệ sĩ chuyển giới đầu tiên lên sân khấu tại Teatro Colón…
Tháng 9/2020, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã ký sắc lệnh thiết lập hạn ngạch việc làm 1% cho người chuyển giới trong khu vực công. Chỉ có quốc gia láng giềng Uruguay có luật hạn ngạch tương đương nhằm thúc đẩy việc hòa nhập lao động của những người chuyển giới, những người phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong cuộc sống.
Argentina được coi là quốc gia tiên phong về quyền của người chuyển giới ở Nam Mỹ. Ảnh: AP
Cũng giống như nhiều thành viên trong cộng đồng LGBT ở Argetina, năm 2020 cũng đã mang lại nhiều niềm vui cho Angeles Rojas, một người chuyển giới nữ. Cô gái 23 tuổi này đã được nhận vào làm tại phòng nhân sự của Banco Nación, ngân hàng nhà nước uy tín nhất của Argentina, có trụ sở chính tại Thủ đô Buenos Aires.
Hằng ngày, Rojas đến văn phòng làm việc với niềm vui phơi phới. Cô sải những bước dài xuống sảnh của ngân hàng Banco Nación, lướt qua những bức chân dung trên tường của các vị Chủ tịch ngân hàng trong lịch sử, những người có thể đã bị sốc khi nhìn thấy một người chuyển giới trẻ tuổi trong lực lượng lao động.
"Nếu tất cả các cơ quan, công ty ở Argentina tuân thủ vấn đề thiết lập hạn ngạch việc làm 1% cho người chuyển giới, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều đối với các bạn của tôi. Chất lượng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện. Và các bạn của tôi sẽ không chết ở tuổi 34, hoặc 40, đó là tuổi thọ của họ hiện nay ", Rojas, người có mái tóc dài, đen và đôi mắt đen thông minh, tâm sự.
Vì mục tiêu bình đẳng cho người chuyển giới
Hiện tại, có rất nhiều người chuyển giới Argentina sống ở Gondolín, một tòa nhà ở khu Buenos Aires 'Palermo với mặt trước được sơn màu xanh lam, bức tranh tường vẽ nàng tiên cá và những trái tim sặc sỡ.
Cuộc đời của Rojas cũng giống như nhiều câu chuyện mà người chuyển giới khác tại Argentina phải đối mặt. Cô đến Buenos Aires 3 năm trước từ một thị trấn nhỏ ở miền Bắc Argentina và bắt đầu bằng việc hành nghề gái mại dâm.
Một buổi sáng, một khách hàng mời cô vào xe của anh ta để đi đến một khách sạn. Nhưng anh ta đưa cô đến một khu hẻo lánh, rút ra một khẩu súng và ra lệnh "đưa ví tiền ra".
"Tôi không biết phải làm gì," Rojas kể lại. "Tôi nắm lấy tay lái và anh ta đánh tôi. Tôi tỉnh dậy 3 ngày sau đó trong bệnh viện với tình trạng gãy xương mặt, tái tạo khuôn mặt và mất thính giác ở một bên tai ".
Sau 3 tháng điều trị tại bệnh viện, Rojas rời bỏ công việc bán dâm và trở thành một nhà hoạt động cho cộng đồng người chuyển giới. Rojas chia sẻ, cô "cảm thấy thoải mái, hạnh phúc với sự đối xử mà họ dành cho tôi" tại nơi cô làm việc hiện tại.
Guadalupe Olivares là một trường hợp chuyển giới khác, chưa được may mắn như người bạn Rojas của mình. Olivares mặc quần tây, áo sơ mi đen, mang chiếc cặp văn phòng mà cô lựa chọn và tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc tại Bộ Phát triển Xã hội. Hút một điếu thuốc và uống một ly soda, Olivares, 33 tuổi, đến từ tỉnh San Juan, cho biết cô đã nộp rất nhiều hồ sơ xin việc nhưng cho đến nay, cô vẫn chưa có việc làm.
Theo một báo cáo của Mạng lưới những người chuyển giới Mỹ Latinh và Caribe được công bố vào tháng 12/2020, đại đa số phụ nữ chuyển giới trong khu vực này coi hoạt động mại dâm là sinh kế kinh tế và tự túc duy nhất của họ.
Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu chính thức về quy mô của cộng đồng người chuyển giới ở Argentina, vì những người này không được đưa vào cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 2010. Nhưng các tổ chức LGBT ở Argentina ước tính có từ 12.000 đến 13.000 người trưởng thành chuyển giới, trong khi quốc gia Nam Mỹ này có hơn 44 triệu dân.
Theo anh Ese Montenegro, một nhà hoạt động chuyển giới nam tại Argentina, để cộng đồng LGBT của Argentina được đối xử một cách hoàn toàn bình đẳng, chính phủ nước này vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: nodal.am
Argentina được coi là quốc gia tiên phong về quyền của người chuyển giới ở Nam Mỹ. Năm 2010, chính phủ Argentina đã ban hành luật bình đẳng hôn nhân. Năm 2012, Argentina cũng đã thông qua luật bản dạng giới lần đầu tiên trong lịch sử, cho phép người chuyển giới lựa chọn nhận dạng của bản thân bất kể giới tính sinh học của họ.
Luật pháp Argentina cũng đảm bảo quyền tham gia vào các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính và điều trị nội tiết tố mà không cần sự đồng ý trước của pháp luật hoặc y tế.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa sự bình đẳng được thiết lập bởi luật pháp và sự bình đẳng thực sự ở Argentina vẫn còn lớn. Anh Ese Montenegro, một nhà hoạt động chuyển giới nam được thuê làm cố vấn cho Ủy ban Đa dạng và Phụ nữ của Phòng Đại biểu Quốc hội Argentina, nhận định, để cộng đồng LGBT của Argentina được đối xử một cách hoàn toàn bình đẳng, chính phủ nước này vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
N.A (Theo wtop.com)