Vũ Hoàng Mai Châu (áo vàng), Trưởng Ban điều hành Mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam tại một sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lây nhiễm HIV trong cộng đồng chuyển giới.

Theo Mai Châu, hiện nay mạng lưới VNTG trải rộng khắp đất nước và tích cực hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng chuyển giới. Để mạng lưới hoạt động hiệu quả như hiện nay, các thành viên đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn và khoảng thời gian "chuyển mình".

"Sự nhìn nhận về cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới vẫn còn những định kiến, kỳ thị... Đó là những rào cản mà VNTG phải luôn nỗ lực vượt qua", Trưởng Ban điều hành VNTG cho biết.

Theo Mai Châu, hiện nay, ngoài những hoạt động biểu diễn, VNTG đang kết nối các nhóm cộng đồng với các tổ chức chăm sóc sức khỏe, có thể kể đến Viện nghiên cứu xã hội và môi trường ISDS, Tổ chức PATH, Tổ chức PEPFAR... và nhiều tổ chức khác. Công việc thường xuyên của các nhóm là tổ chức những buổi truyền thông nhóm nhỏ, nhóm lớn, phân phát bao cao su, chất bôi trơn miễn phí, tư vấn xét nghiệm HIV, viêm gan B,C... và đặc biệt là PrEP - thuốc dự phòng HIV.

Ngoài hoạt động trong mạng lưới, Mai Châu còn là trưởng nhóm Ruby dành cho cộng đồng người chuyển giới đang sinh sống tại Hà Nội

Về vấn đề lây nhiễm HIV trong cộng đồng chuyển giới, Mai Châu chia sẻ, cô đang điều hành văn phòng "Không khoảng cách" bắt đầu hoạt động từ năm 2016 dưới sự tài trợ của Dự án Vusta (Dự án quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) với các hoạt động tư vấn truyền thông, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho những người nguy cơ cao là người chuyển giới, nam quan hệ tình dục đồng giới. Văn phòng cũng tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng tham gia sử dụng thuốc PrEP, tư vấn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cung cấp bao cao su, chất bôi trơn cho nam quan hệ tình dục đồng giới, tư vấn xét nghiệm nhanh HIV và thuốc kháng virus-ARV cho người nhiễm HIV.

Ngoài hoạt động trong mạng lưới, Mai Châu còn là trưởng nhóm Ruby dành cho cộng đồng người chuyển giới đang sinh sống tại Hà Nội. Nhóm gồm các thành viên là người chuyển giới. Ngoài công việc chính làm việc ở các công ty, dự án hỗ trợ cộng đồng, Ruby còn thường xuyên biểu diễn thời trang, ca nhạc trong các sự kiện. 

"Nhóm Ruby ra đời năm 2009, trải qua rất nhiều biến cố, từ việc bị gia đình cấm đi biểu diễn, thay đổi ngoại hình, đến việc phải đi nghĩa vụ, hay một số bạn không may dính vào lao lý thì giờ đây, các bạn đã trưởng thành và gặt hái nhiều thành công", Mai Châu tự hào cho biết.

Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người chuyển giới, mặc dù tiếng nói và sự hiện diện của các nhóm người chuyển giới trong xã hội đã được cải thiện đáng kể nhưng các rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, người chuyển giới thuộc nhóm có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV nhưng lại khó tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và điều trị.

Mới đây, tại Hội thảo tham vấn về Dự thảo Hướng dẫn can thiệp đối với cộng đồng người chuyển giới, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết, chương trình phòng chống HIV/AIDS chưa có nhiều số liệu liên quan đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng người chuyển giới. Cũng vì chưa có một hướng dẫn chính thống nên các hoạt động can thiệp phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng người chuyển giới còn nhiều hạn chế.

Mai Châu chia sẻ: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tiếp cận với các dịch vụ dự phòng HIV thiết yếu và có tính sáng tạo như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự nguyện xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm HIV, sử dụng bao cao su chất lượng cao, giá cả phù hợp, đảm bảo sự nhạy cảm giới...".

* Năm 2020, chủ đề của Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10/11/2020 - 10/12/2020) là "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam". Ngày 1/12 là Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS.

* Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới 1.000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

* Theo ước tính, số người nhiễm HIV trong cộng đồng khoảng 250.000 người, trong đó đến tháng 9/2020, có 213.097 người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm HIV của mình (chiếm 85%), 150.984 người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình đã được điều trị ARV (chiếm 75%) và tỉ lệ người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 bản sao/ml) (chiếm 96%). Như vậy, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu 90% thứ nhất và 90% thứ 2 trong thời gian tới, đồng thời phát huy duy trì kết quả rất tốt của mục tiêu 90% thứ 3 để hướng tới mục tiêu 95-95-95 nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra.

An Khê