leftcenterrightdel
 Các vụ lừa đảo tống tiền nhắm vào sinh viên Trung Quốc có xuất thân khá giả, sống một mình ở các thành phố lớn.

Tình trạng trên bắt đầu xuất hiện ở nhiều quốc gia khác.

Trong thời gian gần đây, cơ quan cảnh sát bang New South Wales (NSW) phát hiện gia tăng các cuộc gọi đáng ngờ nhắm vào sinh viên nước ngoài, trong đó phần đông là sinh viên Trung Quốc. Những kẻ bắt cóc nói rằng sinh viên có liên quan đến một hành vi phạm tội và nộp tiền phạt để không bị bắt giữ hay trục xuất.

Những sự việc tương tự cũng được ghi nhận ở một số quốc gia khác như Bắc Ireland. Hai sinh viên quốc tế tại nước này đã bị bọn tội phạm giả danh quan chức Trung Quốc lừa đảo số tiền 105.000 bảng Anh (khoảng 3 tỷ đồng) vào năm ngoái.

Theo cơ quan điều tra, trong điện thoại, kẻ lừa đảo sử dụng tiếng Quan Thoại, xưng danh là người của cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc như đại sứ quán, lãnh sự quán hay cảnh sát...

Sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục tiếp cận nạn nhân thông qua các nền tảng xã hội như WhatsApp, WeChat... rồi ép buộc họ chuyển một số tiền lớn vào tài khoản ngân hàng nước ngoài.

Nếu nạn nhân không có tiền, những kẻ lừa đảo sẽ ép buộc họ “bắt tay” với mình để tạo nên vụ bắt cóc ảo. Nạn nhân phải chụp ảnh như thể đang bị bắt cóc như trói tay, nhét giẻ trong miệng... rồi gửi cho gia đình ở Trung Quốc để yêu cầu tiền chuộc.

Trong một vụ việc, gia đình của một nữ sinh 23 tuổi đã trả 270.000 AUD (khoảng 4,2 tỷ đồng) cho một kẻ lừa đảo trước khi nạn nhân được tìm thấy ở một khách sạn ở Sydney hồi tháng 5.

Cảnh sát Australia cho biết đang làm việc với các trường đại học và Đại sứ quan Trung Quốc để cảnh báo cộng đồng về những trò lừa đảo. Chỉ huy đội phòng chống tội phạm nghiêm trọng, đội trưởng đội thám tử Joe Doueihi, cảnh báo: “Mọi người nên cảnh giác trước các cuộc gọi tự xưng là từ cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc như cảnh sát, công tố viên hoặc tòa án... rồi yêu cầu chuyển tiền. Đó đều là những cuộc gọi lừa đảo”.

Theo ông Doueihi, hành vi lừa đảo nhắm vào sinh viên quốc tế rời xa gia đình đến Australia học tập là “thật đáng xấu hổ”. Còn nạn nhân là những người chịu sự tổn thương và đả kích nặng nề. Do đó, ông Doueihi kêu gọi các nạn nhân đến trình báo sự việc cho cơ quan chức năng bang NSW để được hỗ trợ tối đa.

Còn ông Xiaoteng Li, Phó lãnh sự của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Australia, cho biết các nạn nhân đang gặp vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng và lâm vào tình trạng tổn thất tài chính lớn. Một số nạn nhân được cho là phải nhập viện vì chấn thương tâm lý sau vụ việc.

Tình trạng “bắt cóc ảo” không phải mới xuất hiện tại Australia. Năm 2020, cơ quan chức năng nước này đã cảnh báo nhiều sinh viên người Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của những vụ lừa đảo, đòi tiền chuộc lên đến hàng triệu USD. Nạn nhân thường xuất thân từ các gia đình khá giả ở Trung Quốc, sống một mình tại các thành phố lớn ở Australia.

Thống kê của cảnh sát Australia năm 2020 chỉ ra những kẻ lừa đảo kiếm được hơn 3 triệu AUD (khoảng 2,1 triệu USD) qua những phi vụ này. Những kẻ lừa đảo có thể đến từ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Theo giaoducthoidai