Những câu chuyện đau lòng

Hồi tháng 1, một phụ nữ Ba Lan đã thiệt mạng sau khi bị các bác sĩ từ chối thực hiện phá thai mặc dù tim của 2 bào thai song sinh đã ngừng đập. Gia đình nạn nhân sau đó cáo buộc chính phủ Ba Lan có liên quan đến cái chết của cô do những hạn chế trong luật phá thai của nước này.

Người phụ nữ, có tên là Agnieszka T, được cho là đang mang song thai ở tháng thứ 3, khi cô được đưa vào Bệnh viện Blessed Virgin Mary ở Częstochowa vào ngày 21/12/2021. Theo người thân nạn nhân, thai phụ 37 tuổi này đã bị đau khi đến bệnh viện nhưng “hoàn toàn tỉnh táo và thể trạng tốt”.

Thai nhi đầu tiên chết trong bụng mẹ vào ngày 23/12, nhưng các bác sĩ đã từ chối loại bỏ nó, vì cho rằng họ phải làm theo luật phá thai hiện hành của Ba Lan. Gia đình của Agnieszka khẳng định tình trạng của cô đang nhanh chóng xấu đi, nhưng các bác sĩ đã đợi cho đến khi nhịp tim của thai nhi thứ 2 ngừng đập một tuần sau đó, rồi đợi thêm 2 ngày nữa mới quyết định can thiệp loại bỏ cả 2 thai vào ngày 31/12.

Agnieszka qua đời vào ngày 25/1 sau nhiều tuần bị suy giảm sức khỏe, để lại người chồng và 3 đứa con. Gia đình của Agnieszka nghi ngờ rằng cô mất do sốc nhiễm trùng, nhưng bệnh viện không xác định nguyên nhân cái chết của cô trong thông báo đưa ra hôm 26/1.

Hay trường hợp của cô Sajbor 30 tuổi, là thợ làm tóc đến từ thị trấn nhỏ Pszczyna, miền Nam Ba Lan. Cô rất vui mừng khi biết tin mình có thai. Cô đã có một đứa con gái 9 tuổi tên Maja. Cú sốc đến vào tuần thứ 14 khi các bác sĩ nghi ngờ thai nhi mắc hội chứng Edwards. Chị dâu và bạn thân cho biết Sajbor sẽ phá thai nếu điều này là hợp pháp. Cô thậm chí đã hỏi bác sĩ vào mùa hè năm ngoái, nhưng họ không đồng ý.

Vào thời điểm đó, Sajbor dự tính phá thai ở nước ngoài, nhưng kế hoạch không thành công. Khi cô Sajbor nhập viện vào ngày 21/9/2021, người thân không được phép vào cùng vì hạn chế phòng dịch. “Con phải sinh ra một đứa bé đã chết”, cô nhắn tin cho mẹ. Vào thời điểm nhịp tim của thai nhi ngừng đập, các bác sĩ đưa Sajbor vào phòng phẫu thuật khi tay chân cô đã tím tái. Cô qua đời lúc 7h30.

Tháng 9/2021, một phụ nữ mang thai ở Ba Lan, 30 tuổi, có tên Izabela cũng đã tử vong vì bị từ chối can thiệp y tế khi cô bị vỡ ối vào tuần thứ 22 của thai kỳ. Gia đình Izabela cho rằng lẽ ra cô phải được phá thai hoặc can thiệp sinh mổ để cứu mạng sống, nhưng bệnh viện đã viện dẫn luật phá thai của Ba Lan để không làm việc này. Một cuộc điều tra sau đó cho thấy đã có “sơ suất y tế” dẫn đến cái chết của Izabela, và bệnh viện đã bị phạt.

leftcenterrightdel
Phụ nữ Ba Lan phản đối luật cấm phá thai nghiêm ngặt của chính phủ.
 

Bác sỹ sợ bị truy tố nếu phá thai

Phá thai ở Ba Lan có giá rẻ. Phụ nữ từ khắp Tây Âu đã đổ xô đến Ba Lan để phá thai cho đến tận những năm 1980. Sự thay đổi lớn trong chính quyền Ba Lan vào năm 1989 đã khiến quốc hội đề xuất lệnh cấm phá thai, trước sức ép lớn từ Giáo hội Công giáo. Các nhóm phụ nữ đã tổ chức biểu tình và ký tên vào kiến nghị. 3/4 người Ba Lan nói rằng họ muốn giải quyết vấn đề bằng cuộc trưng cầu dân ý. Công chúng Ba Lan chia làm 2 luồng ý kiến, với 53% ủng hộ giữ nguyên luật hiện hành.

Tuy vậy, quốc hội Ba Lan vẫn thông qua luật cấm phá thai năm 1993 với 3 ngoại lệ: việc mang thai do bị tội phạm tình dục tấn công như hiếp dâm, tính mạng của người phụ nữ gặp rủi ro, hoặc trong trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng. Cuộc tranh luận về luật cấm phá thai kéo dài 29 năm qua ở Ba Lan đã trở nên gay gắt hơn trong thời gian gần đây khi phán quyết mới nhất vào năm 2020 tuyên bố phá thai do thai nhi bị dị tật là trái với hiến pháp.

Chỉ 1/10 người Ba Lan ủng hộ luật cấm phá thai nghiêm ngặt hơn, trong khi phần còn lại chia làm hai phe: Áp dụng trở lại lệnh cũ và hợp pháp hóa việc chấm dứt thai kỳ. Chính lệnh cấm phá thai ở Ba Lan đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường, trong đó có cả việc bác sĩ ngần ngại loại bỏ thai nhi hoặc điều trị ung thư để cứu sống người mẹ vì sợ bị truy tố.

Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho rằng, nếu làm theo đạo luật này, các bác sĩ ở Ba Lan chỉ còn cách chờ cho một thai nhi không có khả năng sống sót chết trong bụng mẹ, thay vì thực hiện phá thai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người mẹ.

Lệnh cấm đã khiến phụ nữ tìm cách phá thai chui. Các bác sĩ trước đây cung cấp dịch vụ miễn phí tại bệnh viện công nay tính phí rất cao cho thủ thuật này ở những phòng khám tư. Tuy nhiên giờ đây, phá thai chui gần như đã không còn hoạt động khiến số lượng phụ nữ Ba Lan ra nước ngoài phá thai đã lên tới hàng nghìn người và dự kiến tăng hơn nữa. Thị trường chợ đen bán thuốc phá thai đang phát triển mạnh mẽ.

Về mặt kỹ thuật, luật pháp vẫn cho phép phá thai nếu có rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người mẹ. Nhiều chuyên gia nói điều luật không rõ ràng nên các bác sĩ không dám hành động.

“Luật này tạo ra nhiều vấn đề cho bác sĩ và bệnh nhân”, Jan Kochanowicz, - Giám đốc Bệnh viện Đại học Lâm sàng ở Bialystok - cho biết. “Không có câu trả lời rõ ràng rằng điều gì là mối đe dọa với sức khỏe người mẹ. Các bác sĩ ngần ngại đưa ra quyết định”.

Trong khi đó, những người bảo vệ lệnh cấm phá thai nói rằng vấn đề không nằm ở luật pháp mà là do tay nghề của bác sĩ. Còn với nhóm ủng hộ quyền phá thai, vấn đề rõ ràng nằm ở việc quyền tự quyết của phụ nữ đã bị xói mòn sau 3 thập niên. Chính những yếu tố này khiến bác sỹ luôn rụt rè, ngần ngại trong việc phá thai.

Theo PLVN