Ảnh minh họa

Theo vị cán bộ điều tra, trước khi giăng bẫy, các đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng đời sống, tình cảm gia đình, trình độ học vấn và cả tài chính kinh tế của những người chúng định làm quen (chúng gọi là con mồi). Sau đó, chúng sẽ lập những facebook giả để kết bạn, làm quen. Mọi thông tin, hình ảnh, dữ liệu trên facebook. 
Chúng thường xây dựng hình ảnh trên faceboook là những doanh nhân giàu có, xuất hiện tại nhiều quốc gia, có nhiều tài sản và điểm đặc biệt là luôn thông báo vấn đề tình cảm đang gặp nhiều trắc trở.

Khi những kẻ lừa đảo đã tạo dựng được lòng tin với “con mồi”, chúng sẽ đẩy nhanh quá trình thổ lộ tình cảm, tình yêu bằng cách xin được tặng những món quà có giá trị cùng lời hứa hẹn một cuộc sống hạnh phúc với nhau. 

Ngoài ra, chúng còn nghiên cứu rất kỹ các thủ tục liên quan đến thuế, giá trị hàng hóa và hải quan tại cửa khẩu. Sau đó, đồng bọn của đối tượng sẽ giả danh nhân viên hải quan, cơ quan thuế, nhân viên sân bay hoặc công ty chuyển phát nhanh gọi điện thông báo lô hàng chuyển phát đang bị tạm giữ. Nại ra nhiều lý do khác nhau, đối tượng yêu cầu bị hại phải nộp các khoản tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để nhận lại lô hàng.

Điều đặc biệt nhất là khi đã nhận tiền lần 1, chúng sẽ tiếp tục yêu cầu các nạn nhân chuyển tiếp tiền lần 2, lần 3 với lý do “lại gặp trục trặc”. Nếu nạn nhân còn hám lợi hoặc tiếc rẻ số tiền đã lỡ chuyển lần trước thì tiếp tục bị lừa.

Để tránh bị lừa đảo bởi chiều trò, thủ đoạn “kết bạn và tặng quà qua mạng”, cán bộ điều tra lưu ý một số vấn đề sau:

- Khi thiết lập mối quan hệ với “bạn bè quốc tế” kiểu này, cần phải kiểm tra kỹ thông tin đối tượng trên facebook, bao gồm: Thông tin cá nhân, hình ảnh đại diện, album ảnh, số lượt “like” và “comment” của bạn bè trong Friend List của người đó. Qua đó, có thể xác định hoàn cảnh, địa vị và cả mức độ “giàu có” của đối tượng.

- Nếu là “đại gia” mà facebook cá nhân không có ảnh đại diện hoặc ảnh lấy trên mạng, ít bình luận, album ảnh rất ít và có dung lượng rất thấp, không thể phóng to ra. Mặt khác, không bao giờ chịu cho bạn kết nối trực tiếp webcam và luôn ngỏ ý muốn tặng quà có giá trị thì đó rất có thể là những kẻ lừa đảo “tình - tiền”.

- Cách trò chuyện của những đối tượng này rất mâu thuẫn. Chúng sẽ thường không nhớ mình đã nói gì, thậm chí đôi lúc nhầm lẫn tên của bạn. Chỉ cần lật lại một số vấn đề nhỏ, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra sự giả dối. 

- Trước khi muốn làm quen, kết bạn với những đối tượng này, hãy copy toàn bộ thông tin gồm số điện thoại, e-mail, hình ảnh rồi dán vào thẻ tìm kiếm Google. Có thể, rất nhiều thông tin lừa đảo đó đã được cộng đồng mạng phát hiện và cảnh báo trên các diễn đàn.

- Khi “người yêu” chưa từng gặp mặt muốn tặng quà hoặc chuyển tiền mặt và yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, đề cập đến việc “đóng khoản phí nhỏ”, dù với mục đích gì, hãy từ chối ngay không cần phải suy nghĩ.

- Trong trường hợp, nhóm đối tượng trong nước gọi điện, yêu cầu chuyển khoản thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.

- Cuối cùng, đừng vì lòng tham và cả sự nhẹ dạ, cả tin mà bị sập bẫy chiêu trò lừa đảo tưởng đã cũ rích này.

Theo Phunuvietnam.vn