Một khu vực ở El Paso, Texas gần biên giới với Mexico, nơi nhập cư lậu đến từ Trung Mỹ tràn lan - Ảnh: AFP
Chuyện này càng khắc nghiệt và thấm thía hơn ở Mỹ, nơi mà nhập cư lậu đã là mảnh ghép phức tạp không thể tách rời.
Do đó, chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp lần này của chính quyền ông Trump cũng là chuyện "thường ngày ở huyện", bất kể về tính chất có vẻ gắt gao hơn.
Liên quan tới cả "mặt trái" và "mặt phải" của di dân lậu, Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tranh luận "nát nước" qua không biết bao nhiêu đời tổng thống.
Thậm chí ngay cả trên các diễn đàn của người Việt tại Mỹ, đây cũng được coi là chuyện "bất khả tranh nghị", bởi cứ hễ mở ra là y như rằng sẽ lại cãi nhau.
Tôi sống ở Texas, một bang đông dân thứ hai và là bang có diện tích lớn thứ 2 trong số 50 tiểu bang của Mỹ.
Ở đây có mức sống không quá đắt đỏ và cơ hội việc làm cũng nhiều nên cũng là "miền đất hứa" của rất nhiều người nhập cư, trong đó có một phần lớn là những di dân lậu.
Chuyện người nhập cư lậu ở Mỹ vô cùng phức tạp. Tôi đã gặp trực tiếp rất nhiều thân phận như vậy trong cuộc sống thường nhật. Họ phải cắn răng chấp nhận cảnh lương thấp, bị o ép, ăn chặn, dù rằng trong mối quan hệ chủ - tớ kiểu này, cả hai đều vừa làm vừa lo bị nhà chức trách truy quét.
Trong trường hợp bị bắt, vẫn biết cả người thuê lẫn người làm đều bị phạt nhưng người cần thuê thì vẫn phải thuê, kẻ bán sức lao động kiếm sống thì đương nhiên không có lựa chọn.
Tôi đã thấy nhiều nông trại bạt ngàn trái chín để rụng vì không thuê được "dân lậu" làm việc. Nhưng khi thuê được rồi thì lại lợi dụng chuyện không giấy tờ của người nhập cư để giảm tối đa chi phí.
Dân nhập cư lậu chỉ được chủ trả lương bằng một nửa hoặc 2/3 so với mức lương người có giấy tờ. Chẳng hạn ở thành phố Houston (Texas), mức lương theo giờ bình dân nhất hiện khoảng 9-10 USD, nhưng dân nhập cư lậu chỉ được trả 5-6 USD, song họ vẫn cắn răng làm.
Thậm chí có những công việc còn được người địa phương nói vui là "độc quyền" của dân cư nhập lậu gốc Nam Mỹ, đó là làm việc trên các công trường làm đường, xây nhà dưới cái nắng nóng khủng khiếp lên tới 40oC. Chỉ có họ mới có khả năng làm việc quần quật dưới cái nắng chói chang như vậy, một việc mà gần như không sắc dân nào chịu nổi.
Hằng ngày, những người nhập cư không giấy tờ sẽ kéo nhau ra khu siêu thị Home Depot, nơi chuyên bán đồ xây dựng, vật liệu nội thất. Họ túm tụm ở đó thành từng nhóm từ 7-10 người, hệt như các chợ lao động trong thành phố của mình. Hễ có ai đó lạng xe vào là tất cả hộc tốc chạy tới, xúm vào hỏi xem có cần thuê người làm không.
Có những đêm Noel, trời lạnh cóng, họ vẫn đứng đó chờ. Khi một ai đó hảo tâm đi ngang, thò tay qua cửa xe, dù chỉ tặng mỗi người 10 USD thôi cũng đủ làm gương mặt mỗi người bừng sáng. Tôi biết đó thực sự là món quà Noel với cả gia đình họ, đủ cho một bữa ăn đạm bạc...
Theo quan sát của tôi, khoảng từ năm 2016 về trước những nhóm này rất đông, nhưng giờ vắng hẳn. Do chính sách quản lý siết chặt với di dân lậu của chính quyền Mỹ nên các chợ người này cũng hoạt động lặng lẽ hơn.
Theo tôi, người Việt không phải là nhóm dân chiếm tỉ lệ lớn tới mức bị coi là đại diện cho sắc dân nhập cư lậu.
Thứ nhất bởi khoảng cách xa về địa lý, tới nửa vòng Trái đất nên hầu như những ai muốn vượt biên trái phép tới Mỹ đều khó khăn với rào cản tự nhiên này. Chỉ có một số rất ít du khách, du học sinh trốn ở lại. Dân nhập cư lậu ở Mỹ chủ yếu là di dân từ các nước Trung và Nam Mỹ.
Có một chuyện nhỏ thế này, khi tôi đi đăng ký lớp học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL), khi nhân viên nhà trường vào lớp yêu cầu mọi người trình thẻ ID (bằng lái xe tích hợp giấy tờ hợp pháp), tất cả học viên người Việt đều có, nhưng các di dân người Nam hoặc Trung Mỹ gần như không ai có. Tuy nhiên vì chỉ là trung tâm dạy ESL, không liên quan tới vấn đề di trú nên nhà trường không tố cáo.
Mỹ truy quét nhập cư lậu quy mô lớn
Ngày 14-7 giờ địa phương, chính quyền Mỹ chính thức mở chiến dịch truy quét người nhập cư lậu trên phạm vi toàn quốc. Theo kế hoạch, trong ngày 14-7, nhân viên của Cơ quan thực thi di trú và hải quan liên bang (ICE) sẽ tiến hành các đợt vây ráp người nhập cư bất hợp pháp tại ít nhất 10 thành phố lớn.
Đài CNN cho biết hoạt động truy quét trước hết sẽ tập trung tại Atlanta, Baltimore, Chicago, Denver, Houston, Los Angeles, Miami, New Orleans, New York và San Francisco. Mục tiêu của chiến dịch là bắt khoảng 2.000 di dân lậu đã vào Mỹ gần đây.
Tuy nhiên theo Hãng tin AFP, bất kể việc truyền thông loan tin chiến dịch đã bắt đầu, ngay lập tức vẫn chưa có những tín hiệu rõ ràng cho thấy các chiến dịch truy quét quy mô lớn đã diễn ra. Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, cho biết đã nghe nói có 3 đợt vây ráp của ICE, nhưng chưa thấy bắt giữ ai. Tại Florida, người ta thấy các đặc vụ ICE gõ cửa nhiều ngôi nhà gần sân bay quốc tế Miami và một khu người nhập cư sống gần đó nhưng cũng chưa thấy nhà chức trách bắt ai.
Ông Matthew Albence, quyền giám đốc ICE, nói về việc bắt những di dân lậu có trát yêu cầu trục xuất của tòa: "Chúng tôi chỉ đang thực hiện mệnh lệnh của các thẩm phán".
Trong bối cảnh chiến dịch vừa triển khai, hàng ngàn người nhập cư đều phấp phỏng. Họ càng lo sợ hơn khi có những thông tin truyền thông cho biết nhân viên của ICE không chỉ bắt những di dân lậu trong diện bị trục xuất mà cả những người họ tình cờ tóm được trong khi triển khai chiến dịch. Và như thế, có thể có cả những di dân bất hợp pháp đã sống tại Mỹ nhiều năm rồi. |
Theo
Tuổi Trẻ