Nhiều cô gái Nigeria rời bỏ nhà cửa tới châu Âu trở thành nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ.
… Những người ngồi giữa có nguy cơ chết vì bỏng nếu như nhiên liệu tràn ra trộn với nước biển. Những người ngồi bên mạn thuyền chênh vênh luôn có nguy cơ ngã xuống biển bất cứ lúc nào. Giữa 150 người chen chúc trên thuyền, Blessing, cô gái người Nigeria bật khóc. Khuôn mặt nhợt nhạt, cơ thể lộ xương gầy gò, Blessing (tên cô có nghĩa là một sự "ban ơn" của Chúa) đã mất sáu tháng để tới được điểm vượt biên này. Con thuyền lao lên sóng, tròng trành, Blessing tự hỏi không hiểu mẹ có biết cô vẫn còn sống hay không.
Hành trình gian khó
Đó là một phần của chuyến đi mà phần lớn người nhập cư bất hợp pháp đang trải qua. Những năm gần đây, khoảng 10 triệu người châu Phi đã phải bỏ chạy khỏi nơi ở của họ, vốn bị tàn phá vì nghèo đói, hạn hán, áp bức và bạo lực. Khoảng 94% trong số họ chỉ di chuyển trong lục địa này, số còn lại - khoảng vài trăm nghìn người mỗi năm - tìm cách vượt biển đến châu Âu. Người Nigeria di cư đông hơn bất cứ quốc gia nào khác. Kể từ khi đồng tiền Nigeria dần mất giá trị, họ tìm cách vượt biển để tìm kiếm cuộc sống đầy đủ và an toàn hơn bên kia bờ đại dương. Nhưng để đến điểm an toàn đó, nhiều người phải đánh đổi bằng mạng sống. Riêng năm 2016 đã có hơn 5.000 người nhập cư bất hợp pháp bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải. Thậm chí, người vượt biên viết tên và số điện thoại lên cơ thể, đề phòng trường hợp xấu nhất, ai đó tìm thấy xác họ đánh dạt lên bờ biển sẽ thông báo cho người thân ở quê nhà.
Nếu sống sót và cập bến châu Âu, người nhập cư coi như đã cực kỳ may mắn, so với hàng loạt người chết đuối tìm thấy xác hay không tìm thấy xác, tính hay không tính vào số lượng người bỏ mạng. Đến đất châu Âu, nhiều người trong số họ vẫn còn bị trao đổi, mua bán như những món hàng không hơn không kém. Đàn ông rất có thể sẽ phải làm lao động khổ sai bất hợp pháp, còn đàn bà, như cô gái trẻ Blessing, làm gái bán hoa.
Chuyến đi của Blessing đến bờ biển Tripoli để vượt biên không hề đơn giản. Chiếc xe tải chở cô và các cô gái khác phải tránh qua các vùng lãnh thổ do Boko Haram kiểm soát. Họ vượt qua biên giới giữa Nigeria và Niger, con đường đi ngày càng hẻo lánh và chỉ có cát. Sau nhiều ngày dài, họ tới Agadez, một thành phố của Niger nằm ven rìa phía Nam của sa mạc Sahara. Thành phố nóng nực, đầy bụi này là điểm trung chuyển hàng lậu, cocain, heroin... Những người tìm cách nhập cư châu Âu chờ ở đây, với đám buôn người vũ trang đầy mình canh gác. Phần lớn các cô gái đến từ Nigeria ở trong khu ổ chuột dành cho người nhập cư. Những ai không đủ tiền trả cho những tay buôn người thì hành nghề kinh doanh thân xác ngay tại đây để kiếm đủ tiền cho cuộc hành trình trước mắt.
Chấp nhận bán thân
Hiện nay, phần lớn phụ nữ nhập cư bất hợp pháp đều là các cô gái vị thành niên, như Blessing. Họ đến từ các khu nghèo nàn của thành phố Benin, phía Nam Nigeria. Benin từng là nơi thịnh vượng trong vòng vài trăm năm với dầu cọ, ngà voi và các bức tượng đồng đắt đỏ. Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra và tàn phá Benin không còn bất cứ thứ gì của quá khứ giàu sang đó.
Ngày nay, Nigeria là một trong những nước giàu nhất châu Phi. Tuy nhiên, sự giàu có này nằm trong tay một số nhỏ người Nigeria. Cho dù tiền đến từ việc khai thác dầu, nông nghiệp và đầu tư nước ngoài ngày càng cao, số lượng người sống trong hoàn cảnh nghèo khổ lại tăng lên theo tỷ lệ thuận.
Blessing nằm trong số những người nghèo sống lay lắt ở Nigeria. Bỏ học từ năm 14 tuổi, cô không có tương lai ở đất nước này. Vì thế, khi có người hứa giúp cô tới châu Âu, nơi cô có thể kiếm việc làm và gửi tiền về cho gia đình, Blessing đã nhanh chóng đồng ý. Cô gái này đã gia nhập làn sóng phụ nữ tìm cách nhập cư vào châu Âu - một làn sóng khởi đầu từ những năm 1980. Rất đông trong số này chỉ kiếm sống trên các vỉa hè Paris (Pháp), Rome (Italy), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha) hay Athens (Hy Lạp). Từ cuối thập kỷ trước, theo một thống kê của Liên hợp quốc, trong số gái bán hoa ở Italy mang mầm bệnh thế kỷ trong người, phần đông đến từ Nigeria. Trong khi đó, tại quê nhà, số tiền họ gửi về giúp người thân sửa nhà cửa, mua xe và các phương tiện hiện đại khác, khiến hàng xóm ghen tị.
Tất nhiên, khi rời Nigeria, các cô gái trẻ thường được hứa hẹn các công việc như làm đầu, lau chùi dọn dẹp hay trông trẻ ở châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn họ đều lờ mờ cảm nhận rằng rất có thể công việc mình phải làm là mua vui cho đàn ông bên kia bờ biển. Một số gái bán hoa lành nghề chuyển sang làm tú bà và lại tiếp tục làm giả giấy tờ để đưa các cô gái khác sang hành nghề. Có một điều mà hầu như các cô gái nôn nóng chờ vượt biển không hay biết, đó là tình trạng bạo lực đối với người nhập cư là phụ nữ. Từ năm 1994-1998, đã có khoảng 116 gái bán hoa gốc Nigeria bị giết chết ở Italy.
Vấn đề nan giải
Năm 2003, trong một động thái nhằm giảm số người rời khỏi đất nước, Nigeria đã ban hành bộ luật đầu tiên cấm nạn buôn người. Tuy nhiên, điều đó đã quá muộn, vì theo báo cáo của Liên hợp quốc, hầu như mỗi gia đình ở Nigeria đều có thành viên liên quan đến đường dây buôn người. Nhiều phụ nữ Nigeria trở về nước sau một thời gian hành nghề kiếm tiền trên thân xác ở châu Âu, nhưng không tìm được việc làm tại quê nhà, họ quay lại châu Âu, một hành trình gian nan mới bắt đầu.
Năm 2010, lãnh đạo Lybia khi đó là Tổng thống Muammar Gaddafi đã yêu cầu châu Âu phải cung cấp 5 tỷ Euro mỗi năm, nếu không sẽ cho người Libya thoải mái tràn vào "lục địa già", và tuyên bố: “ngày mai, châu Âu có thể không còn là của người châu Âu”. Sau cái chết của nhà độc tài này, Libya ngày càng rơi vào tình trạng hỗn loạn và cảnh sát nước này dường như không thể ngăn người vượt biên nữa. Vì thế, bờ biển Tripoli của Libya trở thành điểm kết nối của hàng loạt các đường dây vận chuyển người bất hợp pháp, nối liền châu Phi với châu Âu.
Làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu không phải là mới. Thực tế vài năm gần đây, các nước châu Âu đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế người nhập cư tràn vào. Liên minh châu Âu đã trả tiền xây dựng hàng loạt hàng rào ở Morocco cũng như tài trợ tiền cho các nước châu Phi để các nước này ngăn chặn dòng người rời bỏ đất nước.
Sau chuyến thăm các nước châu Phi, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có nhiều động thái nhằm hạn chế dòng người đổ về châu Âu qua con đường này. Bà hứa với mọi nỗ lực của các chính phủ châu Phi sẽ có sự hỗ trợ phát triển từ các nước châu Âu. Sau đó, tình hình đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Cảnh sát bố ráp các khu ổ chuột dành cho dân nhập cư và bắt các băng đảng cầm đầu. Các mốc biên giới cũng được canh gác ngặt nghèo hơn nhằm hạn chế người tràn qua bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều này có thể làm nảy sinh ra vấn đề khác. Theo The New Yorker, khi ngành thương mại buôn người này bị hạn chế, nhiều người gia nhập đội ngũ quân khủng bố cực đoan. Đồng thời, việc cắt đường buôn người này lại khiến nhiều người tị nạn bị thiệt mạng hơn, vì họ phải tìm cách đi những con đường nguy hiểm gấp nhiều lần.
Blessing được giải cứu bởi lực lượng cứu hộ Italy. Hiện cô đang ở trong một trung tâm cho người tị nạn, chờ được đưa đến nơi khác ở châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả chính quyền Italy cũng không biết cô sẽ được gửi đến đâu và bằng cách nào. “Chúng tôi cấp đồ ăn cho họ và sau đó thế nào thì cũng chưa có giải pháp”, một nhân viên cứu trợ ở đây cho biết.
Theo Thế giới và Việt Nam