Đến nay, dòng người vượt biển vào Ceuta ngớt nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này buộc nhà chức trách Tây Ban Nha triển khai quân đội và xe bọc thép tới biên giới, TRT World đưa tin ngày 18/5.

 

Nhiều xe bọc thép của Tây Ban Nha được điều đến bãi biển El Tarajal của thành phố Ceuta, nơi hàng rào biên giới với Morocco dẫn tới con đê chắn sóng nhô ra biển.

 

Kênh truyền hình TVE của Tây Ban Nha đã quay lại cảnh binh sĩ nước này bế trẻ em trên tay và nhân viên Chữ Thập Đỏ giúp đỡ người di cư vừa nhô lên khỏi mặt nước trong tình trạng kiệt sức và lạnh. Trong ảnh, một người Morocco đang nằm trên bãi biển. Tuy nhiên, giới chức Tây Ban Nha được cho là sẽ trục xuất người nhập cư trái phép trở về điểm xuất phát.

 

Ceuta là thành phố tự trị của Tây Ban Nha với dân số 85.000 người, diện tích khoảng 20 km2. Ceuta cùng với Melilla, một thành phố khác của Tây Ban Nha, trở thành "nam châm" hút dân di cư châu Phi vì được cho là cửa ngõ vào châu Âu.

 

“Quá nhiều người ồ ạt tới nên chúng tôi không thể tính toán số người đã qua biên giới”, lãnh đạo thành phố Ceuta Juan Jesus Vivas, cho biết.

 

Trong ảnh, hai binh sĩ Tây Ban Nha đang giúp đỡ một người Morocco kiệt sức sau quãng đường bơi trên biển.

 

Đợt di dân xảy ra khi căng thẳng giữa Morocco và Tây Ban Nha một lần nữa bùng lên ở Tây Sahara - vùng lãnh thổ do Tây Ban Nha chiếm đóng cho tới khi bị Morocco kiểm soát phần lớn diện tích vào năm 1975.

 

Theo TRT World, Morocco nới lỏng kiểm soát biên giới sau khi Tây Ban Nha hồi tháng 4 cấp visa chữa bệnh cho lãnh đạo nhóm vũ trang đòi độc lập cho vùng Tây Sahara.

 

Hàng chục người Morocco được điều trị chứng giảm thân nhiệt khi bơi trên biển để vượt biên. Người lớn được chuyển đến sân bóng đá chính của Ceuta, trong khi trẻ vị thành niên được đưa đến những nhà ở tạm của Hội Chữ thập Đỏ.

 

Bộ trưởng Nội vụ Tây cho biết tới trưa 18/5, nhà chức trách đưa 2.700 di dân về Morocco. Những người còn lại sẽ sớm được trả về nước do Tây Ban Nha và Morocco 30 năm trước từng ký thỏa thuận về cách hành xử với người vượt biên.

 

Trong ảnh, một binh sĩ Tây Ban Nha chỉ đường cho công dân Morocco khi những người này vừa rời biển.

Theo Zing