Các chế tài quy định trong nghị định này là một giải pháp, nhưng về lâu dài thì phải là giáo dục, để mỗi đứa trẻ lớn lên đều hiểu rằng việc tôn trọng quyền riêng tư của người khác là lối sống văn minh.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều


Làm sao để mọi người ý thức mạnh mẽ hơn về quyền riêng tư để tuân thủ luật pháp, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của bạn trẻ, nghệ sĩ, luật sư và các chuyên gia.

* Chị Văn Ngọc Ánh (lễ tân khách sạn, TP.HCM): Đừng nghĩ lên mạng nói cho vui

 

Trước đây, tôi chưa từng cân nhắc nhiều đến việc viết gì, đăng tấm ảnh nào lên tường nhà mình. Chỉ cảm thấy ưng bụng là chia sẻ, bạn bè quan tâm bàn tán nhiều thì cũng ngó nghiêng xem sao.

Về sau, tôi thấy mạng xã hội có quá nhiều thông tin mà người sử dụng không đủ kiến thức, tỉnh táo thì dễ dàng bị tin giả dắt mũi. Là một người mẹ của hai con nhỏ, trước đây tôi cũng háo hức muốn chia sẻ mấy mẩu chuyện về các con. Tuy nhiên, những cảnh báo ngày một gia tăng của các trang web đồi trụy, lạm dụng tình dục cho đến nạn bắt cóc trẻ em, tôi đã ngừng đăng tải những hình ảnh rõ nét về con cái mình. 

Dù có hỏi ý kiến con trẻ về việc cho phép chia sẻ hình ảnh của chúng trên mạng đi nữa thì chúng hãy còn quá nhỏ để lường trước được những hiểm nguy. Để bảo vệ con lẫn chính mình, tôi nghĩ không cần phải khoe với cộng đồng mạng nữa.

Với quyền riêng tư, tôi nghĩ mình cần phải tìm hiểu thêm, làm sao sàng lọc thông tin thật, tăng cường việc nhận thức về tầm ảnh hưởng của mỗi lượt xem với bản thân và từng lượt chia sẻ với cộng đồng.

Trước những gì đang diễn ra xung quanh mình, tôi tự nhận thấy nếu giữ lối suy nghĩ đơn giản, hành động cảm tính, vội vàng phán xét một ai đó thông qua một hình ảnh, video nào đó là điều cần chấn chỉnh. Pháp luật đã quy định đi kèm các chế tài, là công dân cần phải tìm hiểu và tuân thủ để phân định ranh giới của chuyện "nói cho vui" và "ảnh hưởng tiêu cực" với người khác, cộng đồng.

* Anh Vũ Ngọc Khải (biên đạo - diễn viên múa, giám đốc nghệ thuật): Không tùy tiện phát ngôn

 

Trên mạng xã hội mà nếu không có tư duy phản biện, người sử dụng dễ bị dẫn dắt, nếu không tỉnh táo để quan sát, phân tích, tìm hiểu thì khó lòng thoát khỏi những cái bẫy tinh vi. Quan trọng hơn, dù có thiết lập các chế độ riêng tư trong phạm vi tương tác hẹp hơn, không ai đoan chắc thông tin của mình được đưa ra không bị sử dụng một cách sai lệch. 

Do vậy, dù nhu cầu chia sẻ niềm vui, sự quan tâm của mỗi cá nhân là chung nhất, dễ hiểu nhưng mỗi chủ tài khoản cần ý thức rõ trách nhiệm của mình để không tùy tiện phát ngôn.

Tôi sống và làm việc ở hai nền văn hóa Á - Âu khác nhau. Ở đó, cách mà những nghệ sĩ như tôi sử dụng mạng xã hội với mục đích khá khác biệt. Một bên chỉ đóng vai trò giữ liên lạc với bạn bè, người thân; còn một bên là kênh quảng bá hình ảnh, phương thức kết nối khán giả với nghệ sĩ. Nguyên tắc của tôi là cẩn trọng trong việc chọn lọc thông tin để chia sẻ trên mạng xã hội: cần phải chân thực với chính mình, trung thực với sự thật.

Tôi nhận thấy việc tuân thủ những nguyên tắc về chia sẻ thông tin ở mức độ tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, tôn trọng bản quyền tác giả là cần thiết. Thế giới càng phẳng chỉ bằng một cú click chuột thì con người càng phải đề cao sự cảnh giác trước vấn đề bảo mật thông tin cũng như cẩn trọng để tránh bị lợi dụng cho những mục đích gây hại cho cộng đồng, quốc gia.

* TS Đặng Hoàng Giang: Cần bảo vệ uy tín, nhân phẩm dân thường

 

Quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân liên quan mật thiết tới nhân phẩm, uy tín. Đây cũng là lĩnh vực hay bị vi phạm nhất, kể cả bởi truyền thông chính thống lẫn cộng đồng mạng, đặc biệt với các cá nhân có những hành vi được cho là vi phạm pháp luật hay lệch chuẩn về đạo đức, "đáng bị lên án". Quyền riêng tư của họ cần phải được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật, như với những người khác.

Những nội dung trong nghị định là cần thiết nhưng cũng cần phân định rõ ràng. Như liên quan tới thông tin sai, tin giả mạo, cần phải phân biệt rõ giữa đâu là tin sai, tin giả, và đâu là bình luận, ý kiến cá nhân. Ví dụ, thông tin về "số người chết" vì COVID-19 ở Việt Nam hay về "thuốc" chữa được bệnh này là tin sai, tin giả. Nhưng những bình luận, phê bình, phản biện các quyết định, chính sách nằm trong quyền tự do biểu đạt và cần được bảo toàn.

Với mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, việc xác định nội dung nào cổ xúy cho những điều này, nội dung nào không, nhiều khi không đơn giản. Ngoài ra, đặc biệt tránh đưa ra những hình thức xử phạt để chiều lòng số đông trên mạng xã hội vốn hay đưa ra những phán xét nhanh chóng về chuyện bài hát này hay cảnh phim kia "phản cảm".

Liên quan tới uy tín, nhân phẩm, cần nhấn mạnh là uy tín, nhân phẩm của mọi người, bất kể là dân thường, chính trị gia hay người nổi tiếng, cần phải được bảo vệ ngang nhau. Tiếp nữa, cần phân biệt rõ giữa vu khống, xuyên tạc, đe dọa bạo lực (cần phải bị xử phạt), và phê bình, chế nhạo, giễu cợt - có thể là xấu xí, cần bị lên án, nhưng không nên nằm trong phạm vi bị xử phạt.

* Ông Lê Nghiêm (nguyên cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông): Hướng dẫn kỹ năng cho người tham gia mạng xã hội

 

Nghị định 15 rất quan trọng để điều chỉnh hành vi của hàng chục triệu người Việt Nam tham gia mạng xã hội. Trước đây nghị định 174 chỉ quy định điều chỉnh hành vi chung trong lĩnh vực truyền thông, chưa có cụ thể với hành vi của cư dân mạng.

Ngoài quy định luật pháp để xử lý, điều chỉnh những hành vi sai trái, cần quan tâm xây dựng văn minh trên mạng xã hội. Để điều chỉnh hành vi mà từ lâu đã trở thành thói quen của hàng chục triệu người trên mạng, ngoài công cụ pháp luật còn phải quan tâm tới giáo dục văn hóa, đạo đức, hướng dẫn những kỹ năng cho người tham gia mạng xã hội. Ví dụ như kỹ năng kiểm chứng thông tin để nhận biết tin thật, giả rất cần phải được xây dựng ở người Việt bởi chúng ta quen tư duy cảm tính, cả tin, tư duy phản biện yếu, thiếu tỉnh táo, lý tính như người phương Tây.

Hay như kỹ năng sử dụng mạng xã hội làm sao để biết tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và người thân, biết nên đưa thông tin gì lên mạng xã hội và không nên đưa thông tin gì để bảo vệ mình và người thân. Nhiều người hồn nhiên để lộ, lọt bí mật đời tư của mình và người thân rồi bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.

Văn hóa tranh luận cũng là một thứ cần được bồi đắp cho người dân. Không có tư duy tranh biện, muốn độc quyền chân lý, nhiều người chưa biết tôn trọng ý kiến khác biệt dễ dẫn tới xung đột trong tranh luận, khiến cho chất lượng các tranh luận trên mạng xã hội, và thậm chí trên truyền thông của người Việt rất thấp.

* Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành: Trách nhiệm của nhà cung cấp mạng xã hội

 

Thói quen cần phải có thời gian mới đi vào văn hóa. Để nghị định phát huy được tác dụng, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các nội dung của nghị định cần được đưa vào quy định của các nhà cung cấp mạng xã hội tại Việt Nam như một phần của hợp đồng hoặc phần bắt buộc phải đọc trước khi gia nhập hoặc sử dụng tiếp. 

Với công nghệ hiện nay, điều này không phải khó. Cần áp dụng cho mọi nhà cung cấp, không phân biệt Việt Nam hay nước ngoài.

Một điều quan trọng nữa là cần cổ vũ, khuyến khích các công ty, cơ sở kinh doanh, tổ chức đưa nội dung của nghị định vào nội quy lao động của công ty mình. Học sinh, sinh viên cũng cần được tập huấn trong các giờ học chính khóa về việc này.

Mức phạt ngày càng cao

Điểm e, khoản 3, điều 102 nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Tương tự, khoản 2, điều 101 nghị định này cũng quy định hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Theo luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM), thông tin của tổ chức, cá nhân có thể bao gồm hình ảnh của tổ chức, cá nhân đó.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người có thông tin, hình ảnh bị sử dụng trái phép cần lưu lại bằng chứng bằng cách lập vi bằng và gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan công an, sở thông tin và truyền thông để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm, người tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, người có thông tin, hình ảnh bị sử dụng trái phép có quyền yêu cầu tòa án buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

"Theo tôi, các chế tài xử phạt các hành vi sử dụng trái phép hình ảnh, tung tin đồn "câu like, câu view" như hiện nay đã đủ sức răn đe, bởi mức phạt đã tăng lên khá nhiều. Điển hình, vừa qua cơ quan chức năng cũng đã xử phạt nhiều trường hợp đăng ảnh, tung tin không đúng sự thật xúc phạm người khác" - luật sư Lượng nói.

TUYẾT MAI


Các nước bảo vệ quyền riêng tư thế nào?

Tại Anh, mức phạt tối đa là 2 năm tù dành cho người nào đăng lên mạng Internet hình ảnh riêng tư nhạy cảm của ai đó mà không được phép. Theo trang web của Công ty luật Daslaw (Anh), trong trường hợp ai đó dùng các bức ảnh riêng tư để tống tiền người khác, họ sẽ đối mặt với tối đa 14 năm tù.

Tại Úc, mức phạt với tội chia sẻ hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của người khác (cả trực tiếp bằng cách cho xem hình trên máy ảnh, điện thoại... và qua các phương tiện như online, mạng xã hội, tin nhắn) tối đa là 3 năm tù. Tuy nhiên, luật Úc cũng nêu rõ không chấp nhận việc trẻ dưới 16 tuổi đồng ý với việc hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của bản thân được chia sẻ vì các em chưa đủ nhận thức để đưa ra quyết định đúng đắn. Luật đặt ra quy định như vậy để mặc định bảo vệ các em trong tình huống này.

Tại bang Indiana (Mỹ), việc đăng hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của ai đó mà không được họ cho phép bị liệt vào tội hình sự và người bị ảnh hưởng có thể kiện và yêu cầu bồi thường tài chính cho những tổn thất liên quan. Những luật liên quan tới vấn đề này theo trang Idnews có hiệu lực từ 17-7-2019.

Theo luật 243 của bang Indiana, việc phát tán bất cứ hình ảnh nhạy cảm nào trên mạng Internet mà không có sự đồng ý của người được/bị chụp ảnh bị coi là phạm tội. Những ảnh này bao gồm cả ảnh do nạn nhân gửi đi ban đầu và những ảnh chụp nạn nhân ngay cả khi có hay không sự đồng ý của họ.

Luật 192 cho phép nạn nhân có thể đòi bồi thường tiền lên tới 10.000 USD và có thể kèm theo phạt tù. Indiana là một trong số 46 bang của Mỹ có luật tương tự.

D.KIM THOA tổng hợp


Rủi ro về an toàn số với người Việt rất lớn

Từ năm 2018, báo cáo "Hướng tới một không gian mạng an toàn cho phát triển kinh tế số" của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đã cảnh báo về vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân. Một mặt, thông tin cá nhân bị thu thập và mua bán, thương mại hóa trái phép tràn lan trong lĩnh vực tiếp thị số, thương mại điện tử.

Mặt khác, thông tin và bí mật đời tư của người dùng cũng bị chia sẻ, khai thác tràn lan trên mạng xã hội. Gần đây nhất, vụ việc dữ liệu từ camera của ca sĩ Văn Mai Hương bị lấy cắp. Hay việc tên tuổi, địa chỉ của người dương tính với COVID-19, người là F1, F2 bị chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội minh chứng rõ nét vấn đề này. Văn hóa và ý thức hạn chế về quyền riêng tư; chưa nhận biết được hậu quả lâu dài khi đánh mất thông tin, dữ liệu cá nhân; thiếu kỹ năng an toàn số cơ bản để tự bảo vệ là các vấn đề chính của người dùng.

Viện IPS cảnh báo trong thập kỷ tới, với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, dữ liệu số của người dùng được tạo ra tăng theo cấp số nhân; kết hợp với tiềm năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI), các rủi ro về an toàn số đối với người dùng Việt Nam là rất lớn. An toàn số do đó là đòi hỏi cấp bách, phải có ứng phó chính sách toàn diện, từ phía người dùng, các công ty công nghệ lẫn từ phía hệ thống chính sách, pháp luật...

T.ĐIỂU

Theo tuoitre