leftcenterrightdel
Lừa đảo bằng giọng nói là hành vi giả mạo danh tính nhằm lấy các thông tin quan trọng của người khác. Trong đó, phần lớn đối tượng giả danh ngân hàng, cảnh sát nhằm chiếm đoạt tài sản từ nạn nhân. Ảnh: Shutterstock. 

Một diễn viên xuất thân là thần tượng Kpop tự thú với cảnh sát Yeoju, tỉnh Gyeonggi rằng anh bị lừa làm cho đường dây lừa đảo qua điện thoại. Người đàn ông 32 tuổi nói anh nghĩ mình được thuê để thu tiền hộ, theo The Korea Herald.

Tuy nhiên, sau khi tới gặp khách hàng, nam diễn viên phát hiện sự thật và giao nộp 600 triệu won nhận được từ các nạn nhân cho cảnh sát. Anh nói thêm bản thân tìm được công việc lương cao này từ quảng cáo trên mạng, đúng lúc gặp khó khăn tài chính.

Cho Su-in, thanh tra tại Văn phòng Điều tra Quốc gia thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, cho biết có nhiều cá nhân bị lừa tiếp tay cho kẻ xấu theo cách tương tự.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA), trong tổng số 22.045 tội phạm lừa đảo tài chính thông qua dịch vụ viễn thông năm ngoái, 60% ở độ tuổi 20-30.

Cho nói thêm những thanh niên này chủ yếu làm việc bán thời gian, nhiệm vụ chính là thu tiền từ nạn nhân và chuyển cho chủ của họ.

“Họ nhận được 10-20% tiền hoa hồng - con số rất lớn bởi các nạn nhân thường bị gài bẫy hàng triệu won. Phần lớn biết công việc này phạm pháp, một số khác hoàn toàn bị lừa bởi những quảng cáo việc làm sai sự thật”, bà nói.

Các nhóm tội phạm giả mạo nhà tuyển dụng, đăng tải quảng cáo việc làm trên các trang web và mạng xã hội.

Thanh tra Cho Su-in cho biết người trẻ dễ dàng mắc bẫy bởi mô tả công việc sai sự thật cùng một số hình ảnh trụ sở công ty. Kẻ lừa đảo có thể giả danh công ty tài chính đang tìm kiếm người thu nợ hộ.

“Dù bị lừa làm việc, các cá nhân vẫn có thể bị xử phạt vì tiếp tay cho gian lận tài chính. Họ có thể phải đối mặt với án tù 5 năm và tiền phạt lên đến 10 triệu won”, Cho nói thêm.

Cảnh sát Yeoju cho biết nam diễn viên 32 tuổi không bị tạm giam và vụ việc được chuyển đến cơ quan công tố. Nếu anh bị truy tố trách nhiệm hình sự, việc tự thú và trả lại tiền cho các nạn nhân sẽ được xem xét như tình tiết giảm nhẹ tại phiên tòa.

Thanh tra cho rằng rất ít người bị lừa làm việc cho tổ chức lừa đảo lại tự thú như nam diễn viên trên.

“Phần lớn đều sợ chịu trách nhiệm. Mọi người cần cẩn trọng trước những công việc trên mạng hứa hẹn mức lương đặc biệt cao”, bà nói.

Tội phạm lừa đảo tài chính thông qua dịch vụ viễn thông lần đầu ghi nhận vào năm 2006 và đang tăng vọt.

Theo NPA, số lượng lừa đảo tăng từ 24.259 vụ năm 2017 lên 30.982 vụ vào năm 2021, số tiền thiệt hại tăng gấp ba từ 247 tỷ won lên 774,4 tỷ won cùng thời kỳ.

Theo zingnews