leftcenterrightdel
 Đóng tàu là một trong những ngành cần nhiều lao động ở Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: Colab)

Đây là số lượng lao động theo diện visa E-9 lớn nhất từ trước đến nay mà Chính phủ Hàn Quốc cấp phép. Số lượng lao động nước ngoài vào Hàn Quốc với thị thực E-9 đã tăng đều đặn từ 52.000 người năm 2021 lên 69.000 người vào năm 2022. Năm 2023, con số này là 120.000 lao động.

Đặc biệt lần này, Hàn Quốc sẽ mở rộng phạm vi cấp thị thực E-9 từ ngành nông nghiệp và chăn nuôi, đánh cá, sản xuất, xây dựng và một số ngành dịch vụ sang ngành nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp vào năm tới.

Theo ngành nghề, thị thực E-9 cấp cho ngành sản xuất sẽ lớn nhất với 95.000 người. Tiếp theo là ngành nông nghiệp và chăn nuôi với 16.000 người; ngành dịch vụ với 13.000 người; ngành đánh bắt cá, 10.000 người; ngành xây dựng, 6.000 người; và ngành đóng tàu, 5.000 người. 20.000 thị thực còn lại được sẽ được "phân bổ linh hoạt", tức là có thể bố trí vào bất kể ngành nghề nào.

Ông Bang Ki-seon, Trưởng Văn phòng Điều phối Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc cho biết: "Việc tăng hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài sẽ góp phần rất lớn vào việc lấp đầy các vị trí còn trống, những công việc mà người Hàn Quốc không mấy mặn mà. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để quản lý thời gian lưu trú, bao gồm cả việc giới thiệu nhanh chóng và ổn định chỗ định cư cho người lao động nước ngoài".

Đối với lao động Việt Nam, tháng 6/2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy: tính đến tháng 6/2023 Việt Nam đã phái cử hơn 5.400 lao động sang Hàn Quốc và dự kiến cả năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu 10.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Hiện có trên 33.500 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Theo thoidai