Năm 2014, vài tháng sau khi chồng qua đời, góa phụ Doreen Kajuju Kimathi, đến từ Meru, miền đông Kenya, được thông báo tài khoản ngân hàng của chồng quá cố bị đóng băng. Cô sau đó bị cha mẹ chồng đuổi khỏi nhà. Người phụ nữ 37 tuổi đang mang thai không có khả năng chống trả, đành trở về nhà cha mẹ đẻ. Kimathi nói: "Đó là chấn thương tâm lý, tôi rơi vào tình trạng trầm cảm trong 5 năm".
Kimathi không phải là người duy nhất trải qua điều đó. Trong khi trên lý thuyết, Kenya bảo vệ quyền thừa kế tài sản của góa phụ, thì văn hóa phụ hệ và ảnh hưởng của luật pháp thuộc địa khiến quyền sở hữu tài sản của phụ nữ đã kết hôn bị hạn chế. Roseline Njogu, một luật sư người Kenya, cho biết: "Có một hệ thống song song hoạt động bên ngoài luật thừa kế. Việc cải cách luật trong nhiều năm đã đưa đến bình đẳng chính thức, nhưng bình đẳng về luật không có nghĩa là bình đẳng về quyền lực, và điều đó khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn".
Theo các nhóm nhân quyền, phân biệt đối xử trong hôn nhân hạn chế khả năng sở hữu đất của phụ nữ. Theo Liên minh Đất đai Kenya, chỉ 1% phụ nữ có quyền sở hữu đất và 6% khác đăng ký sở hữu đất chung với nam giới. Mặc dù có quyền thừa kế như nhau, nhưng đất đai thường được chuyển cho con trai.
Đối với Kimathi, bảo vệ tài sản hôn nhân thậm chí còn khó khăn hơn vì những góa phụ trẻ như cô được cho là sẽ tái hôn. Trên khắp đất nước, một cuộc chiến đang diễn ra khi các tổ chức cơ sở được thành lập để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền hợp pháp của phụ nữ. Kể từ năm 2013, Tổ chức Góa phụ và Trẻ mồ côi Đến cùng nhau (CTWOO) đã tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho gần 500.000 góa phụ.
CTWOO đang nỗ lực giải quyết tận gốc việc góa phụ mất quyền thừa kế. Tổ chức đang làm việc với các nhóm khác để tăng cường hiểu biết về tài chính và pháp luật trên toàn quốc, đặc biệt là giữa các cặp vợ chồng đã kết hôn, khuyến khích họ thảo luận công khai về tài chính và di chúc. Người sáng lập CTWOO, Dianah Kamande, nói rằng trái với quan niệm phổ biến, hầu hết các góa phụ bị tước đoạt đều thuộc tầng lớp trung lưu, như Kimathi, người không phải đến từ cộng đồng nghèo khó. Người nghèo thường có ít tài sản hơn, và người giàu có khả năng tiếp cận cận luật sư.
Kamande nói rằng qua đời và lập di chúc vẫn là những chủ đề cấm kỵ đối với nhiều cặp vợ chồng đã kết hôn và một số người còn giấu diếm tài sản kiếm được. Bà nói: "Đàn ông giữ bí mật tiền bạc với vợ, tin tưởng mẹ và anh chị em hơn, những người đã lần lượt tước quyền thừa kế của vợ và con họ".
Cơ quan quản lý tài sản vô thừa nhận của Kenya cho biết họ giữ 50 tỷ shilling Kenya (347 triệu bảng Anh) trong tài sản vô thừa nhận và khoảng 40% là tiền của công dân để lại sau khi qua đời. Với lo ngại về số lượng tài sản vô thừa nhận ngày càng tăng, nghiên cứu của cơ quan này cho thấy khoảng 43% người Kenya cho biết sẽ không tiết lộ tài sản tài chính của mình cho bất kỳ ai, kể cả những người mà họ tin tưởng.
5 năm sau khi chồng qua đời, cuộc sống của Kimathi vẫn đang bị kìm kẹp. Cô tìm cách thuê luật sư nhưng không đủ khả năng. Không được tiếp cận với tài sản của gia đình, Kimathi và con trai rất khó kiếm sống, người phụ nữ phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ và chị gái.
Nhưng thông qua CTWOO, Kimathi biết rằng cô không cần thuê luật sư để giải quyết vấn đề của mình. Cô đã đệ đơn yêu cầu lên tòa và trong vòng một năm đã có quyền tiếp cận gần như toàn bộ tài sản của chồng quá cố. Năm ngoái, Kimathi đã mở một quán bar và nhà hàng ở Kitui, cách Nairobi 110 dặm về phía đông. "Tôi rất nhẹ nhõm khi nhận được tiền. Trở thành góa phụ ở Kenya là bị cô lập về tài chính và xã hội, và hiểu được điều đó đã thúc đẩy tôi giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh tương tự", Kimathi, người hiện là tình nguyện viên của một nhóm hỗ trợ góa phụ cho biết.
Kim Ngọc (Nguồn: The Guardian)