|
|
Tuần hành trong Ngày phá thai an toàn ở El Salvador tháng 9/2021 |
Nhận án phạt nặng và lời kêu oan hé lộ thực tế nhức nhối
Các nhà chức trách El Salvador tuyên bố người phụ nữ đã mang thai đứa con đến gần hết thai kỳ và sinh con vào tháng 6/2020. Sau khi sinh, sản phụ này đã làm tổn hại đứa bé dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì nữ quyền đang bảo vệ người mẹ. Chính quyền địa phương cho rằng người phụ nữ này đã làm hại con mình sau khi sinh, nhưng những người bảo vệ cô khẳng định cô đã bị sảy thai.
Trong báo cáo đưa ra ngày 4/7, tổ chức này khẳng định, người phụ nữ bị sẩy thai trong phòng tắm tại nhà riêng, khi đang mang thai tháng thứ 5. Morena Herrera, giám đốc của tổ chức, nói với Reuters rằng người phụ nữ tên Lesli đã cố gắng tự cắt dây rốn sau khi sảy thai nhưng do trời tối và trong nhà không có điện nên mới gây ra thương tích cho thai nhi.
El Salvador là một trong những quốc gia có luật cấm phá thai nghiêm khắc nhất thế giới. Nước này cấm mọi hình thức chấm dứt thai kỳ trừ khi thai nhi gây nguy hiểm tính mạng cho người mẹ hoặc mang thai do bị lạm dụng.
Theo tổ chức của bà Herrera, đã có 4 phụ nữ bị kết án tù và 5 người khác bị buộc tội ở El Salvador trong những trường hợp tương tự. Vụ án đang gây chú ý khắp thế giới sau khi Toà án tối cao Mỹ bác một phán quyết lịch sử để cấm phá thai.
Tòa án El Salvador mới đây cũng đã bác đơn kháng cáo của Teodora del Carmen Vasquez, người bị kết tội giết người theo luật phá thai nghiêm ngặt của đất nước này. Cô Teodora đã cố gắng lật ngược lại tình thế sau khi nhận mức án 30 năm tù vì tội giết con gái chết lưu vào năm 2007.
|
|
Teodora del Carmen Vasquez bị kết án 30 năm tù sau khi cô để thai chết lưu |
Người phụ nữ chia sẻ trên truyền thông: "Tôi chưa bao giờ biết mình đã mang thai. Khi tôi bị mất nhiều máu, tôi còn không rõ mình đã có em bé. Lúc cảnh sát đến, họ đã bắt tôi vì tội giết con, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến".
Tòa án đã cáo buộc cô phá thai trong khi những người ủng hộ Teodora nói rằng cô đã mang thai bị chết lưu. Mặc dù vậy, tòa án đã giữ nguyên mức án 30 năm tù giam dành cho người phụ nữ này.
Theo luật pháp hiện hành của El Salvador, một phụ nữ nếu phá thai có thể nhận mức án tối thiểu 8 năm tù và nếu thẩm phán xác định đó là tội giết người thì hình phạt có thể lên đến 50 năm.
Những quy định khác biệt của các nước trên thế giới
Ba quốc gia ở Mỹ Latinh (Cộng hòa Dominica, El Salvador và Nicaragua) và một số nước châu Âu như Malta, Andorra, Vatican và San Marino cấm hoàn toàn thủ tục phá thai.
Ở Đông Nam Á, phá thai bị cấm ở Philippines. Bất cứ ai thực hiện phá thai ở nước này có thể chịu bản án tới 6 năm tù. Trên thế giới, các quốc gia khác cấm phá thai có thể kể đến như Congo-Brazzaville, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, El Salvador, Gabon, Guinea-Bissau, Haiti...
|
|
Một số nước áp dụng lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt. |
Mặc dù vậy, luật phá thai rất khác nhau tùy theo quốc gia. Tại Brazil, luật pháp chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp bị xâm hại, nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ hoặc nếu thai nhi bị khuyết một phần hoặc toàn bộ não.
Ba Lan là một trong số các quốc gia châu Âu có luật chống phá thai nghiêm ngặt nhất. Việc phá thai chỉ được phép nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm hoặc việc mang thai do lạm dụng. Vào tháng 1/2021, quốc gia này ban hành một quyết định của tòa án hiến pháp về việc cấm phá thai kể cả thai nhi bị dị tật đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Malta là quốc gia duy nhất trong Liên minh Châu Âu cấm hoàn toàn việc phá thai. Những phụ nữ phá thai phải đối mặt với án tù 3 năm và bác sĩ thực hiện hành động này có thể nhận mức án 4 năm tù, đồng thời còn bị tước giấy phép hành nghề.
Những hệ lụy nhức nhối
Vào đêm định mệnh, cô Izabela Sajbor, đến từ Ba Lan nhận ra các bác sĩ đã sẵn sàng để cô chết. Bác sĩ nói thai nhi của cô có dấu hiệu dị tật nghiêm trọng và gần như chắc chắn sẽ chết trong bụng mẹ. Kể cả em bé có sinh ra thuận lợi thì đứa trẻ cũng chỉ sống được tối đa một năm. Cô Sajbor đã phải nhập viện do bị vỡ ối khi đang mang thai ở tuần 22.
Bác sĩ có thể loại bỏ thai nhi để cứu lấy người mẹ không bị nhiễm trùng, tránh được trường hợp xấu nhất là tử vong. Tuy nhiên, ngay cả khi cô phát sốt, nôn mửa và co giật trên sàn, nhịp tim của thai nhi vẫn là điều mà các bác sĩ quan tâm nhất.
"Mạng sống của em đang gặp nguy hiểm", cô gửi tin nhắn cho chồng và mẹ nhưng họ đành bất lực.
"Các bác sĩ không thể làm gì chừng nào thai nhi vẫn còn sống do luật chống phá thai. Phụ nữ giống như cái lồng ấp trứng vậy", cô viết vài giờ trước khi qua đời.
|
|
Nhiều phụ nữ đã mất mạng vì sự hà khắc của lệnh cấm phá thai |
Cô Andrea Prudente, một nhiếp ảnh gia người Mỹ cùng bạn trai đã trải qua kỳ nghỉ kinh hoàng ở Malta. Vào thời điểm đó, cô đang mang thai tuần thứ 16. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện kiểm tra, thai nhi có vấn đề và bác sĩ thông báo rằng sẽ không còn hy vọng gì nữa.
Tuy nhiên, bất chấp việc cô Andrea Prudente có nguy cơ bị xuất huyết và nhiễm trùng, các bác sĩ tại bệnh viện không thể can thiệp chấm dứt thai kỳ của cô bởi lệnh cấm phá thai hoàn toàn ở Malta. Cặp đôi quyết định chạy đua với thời gian, lên máy bay để tới đảo Mallorca của Tây Ban Nha, nơi họ được phép phá thai hợp pháp. Chỉ ở đây, họ mới có thể chấm dứt thai kỳ, được ôm hôn thai nhi lần cuối và tính mạng của người mẹ được bảo vệ.
|
|
Cô Andrea Prudente trên đường bay tới Tây Ban Nha |
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy hơn 60% bác sĩ ở Malta ủng hộ hợp pháp hóa việc phá thai trong những trường hợp rủi ro đến tính mạng của bệnh nhân và khả năng không thể tồn tại của thai nhi.
Tuy nhiên, việc thay đổi luật pháp đã tồn tại hàng chục năm là điều không phải dễ dàng. Và mỗi ngày trôi qua, vẫn có những người phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro vì lệnh cấm phá thai hà khắc này.
Diệp Lục (Nguồn: Reuters)