|
|
Khủng hoảng nhà ở sinh viên tại Australia đã khiến nhiều sinh viên có thể phải trong tình trạng vô gia cư. Ảnh:ABC News. |
Prasidha Neupane, sinh viên người Nepal, đã bay tới Perth (Australia) vào tháng trước để lấy bằng thạc sĩ Kỹ thuật môi trường. Lúc đó, anh mới nhận ra chỗ ở mình đặt trước không tồn tại.
"Tôi không thể tìm thấy địa chỉ nhà trên bản đồ. Còn người môi giới đã biến mất. Vào thời điểm đó, tôi trở thành người vô gia cư, tôi không có nơi nào để đi, không quen ai ở Perth. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt một vé nội địa và đến Melbourne, nơi em gái tôi đang sống", anh nói với ABC.
Giám đốc điều hành của tổ chức Study Perth Derryn Belford dự đoán số lượng sinh viên tuyển sinh dự kiến tăng vọt trong học kỳ này. Bà cũng dự đoán địa phương cần cung cấp 5.000 chỗ ở cho sinh viên.
Giá thuê nhà tăng, nhà của trường lại không đáp ứng được nhu cầu
Người đứng đầu nghiên cứu của CoreLogic Eliza Owen cho biết cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà ở Perth đã trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch, tăng 12% trong năm qua, trong khi tỷ lệ nhà trống đã giảm xuống 0,5%.
"Sự thiếu hụt tiền thuê nhà hợp túi tiền có thể khiến một số người lâm vào tình trạng vô gia cư", bà nói.
Giám đốc điều hành Hội đồng Chỗ ở sinh viên Torie Brown cho biết Perth có ít chỗ ở dành cho sinh viên hơn nhiều thành phố khác của Australia.
“Rất nhiều khoản đầu tư rót vào nhà ở sinh viên ở Sydney, Melbourne và Brisbane nhưng chúng tôi chưa thấy điều đó ở Perth. Điều này khiến sinh viên phải cạnh tranh với nhiều phụ huynh và công nhân để được ở nhà thuê với giá cả hợp lý”, cô nói.
Bà Belford cho biết tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi khuôn viên mới của ĐH Edith Cowan mở cửa vào năm 2025 hoặc 2026, với 8.000 sinh viên theo học.
Cô cho hay một chiến dịch của chính phủ khuyến khích mọi người cho sinh viên thuê phòng đã thành công. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ, chính quyền vẫn cần xây và sắp xếp thêm nhiều phòng hơn.
Trong khi đó, anh Neupane cuối cùng cũng tìm được chỗ ở tại Perth nhưng phải mất hai giờ di chuyển để đi học ở ĐH Murdoch. Anh cho hay mình sẽ không bao giờ chọn học ở Perth nếu biết việc tìm chỗ ở khó khăn như thế nào.
"Đừng tin những người bạn gặp trực tuyến, trên Facebook hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội nào. Tôi biết bạn đang rất cần phòng nhưng đừng gửi tiền trước. Ở Australia, hãy thông minh lên", anh cảnh báo những sinh viên khác.
Chỉ tiêu tuyển sinh tăng vọt
Không chỉ Perth, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại bang Western Australia.
Năm nay, ĐH Western Australia (UWA) ghi nhận số hồ sơ đăng ký của sinh viên quốc tế tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và 33% so với mức trước đại dịch, trong khi ĐH Curtin và ĐH Murdoch cũng dự kiến số lượng sinh viên quốc tế sẽ tăng đáng kể trong học kỳ này.
|
|
Các trường đại học tại bang Western Australia ghi nhận số lượng sinh viên quốc tế tăng vọt trong học kỳ mới. Ảnh:ABC News. |
Cô Belford cho biết trước đây, sinh viên thường dành 6 tháng trong các ký túc xá trong khuôn viên trường, rồi chuyển ra ngoài sống chung với bạn bè. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ trầm trọng đồng nghĩa với việc sinh viên phải ở lâu hơn trong ký túc xá của trường, khiến tân sinh viên càng khó kiếm được chỗ hơn.
Hầu như tất cả chỗ ở trong khuôn viên của 3 trường đại học đã được đặt kín chỗ trước khi bắt đầu học kỳ, khiến ban quản lý phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo có thêm chỗ ở cho sinh viên.
Nhân viên trường đại học phải cho sinh viên thuê phòng
Trong một ghi chú gửi cho nhân viên vào ngày 20/1, Phó hiệu trưởng ĐH Curtin Harlene Hayne lưu ý nhu cầu về chỗ ở của sinh viên đang ở "mức cao nhất" nhờ sự trở lại của sinh viên quốc tế. Cô yêu cầu nhân viên trường xem xét việc cho sinh viên quốc tế thuê nhà ngắn hạn hoặc dài hạn.
“Tôi biết nhân viên ĐH Curtin hiểu cách sinh viên quốc tế làm giàu cho cả trường đại học và địa phương. Vì thế tôi khuyến khích những người có phòng cho thuê cân nhắc việc cho sinh viên thuê", cô viết trong ghi chú.
Liên đoàn Giáo dục đại học Australia (NTEU) tại ĐH Curtin cho biết một "con số đáng báo động" sinh viên quốc tế không có nhà ở đang phải chờ có chỗ ở, đổ lỗi cho ban quản lý trường đại học vì đã không hành động sớm hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường nhà đất vốn đã nóng lên.
Chủ tịch chi nhánh NTEU tại ĐH Curtin Scott Fitzgerald cho rằng việc yêu cầu giảng viên và nhân viên sắp xếp chỗ ở cho sinh viên có liên quan đến vấn đề đạo đức và không thể giải quyết được vấn đề vì số lượng công nhân viên nhà trường có thể giúp đỡ là rất nhỏ.
"Nhà ở là quyền cơ bản của con người và chúng ta cần một trường đại học có tiếng nói hàng đầu trong việc kêu gọi các giải pháp cấp tiến cho cuộc khủng hoảng nhà ở", phó giáo sư Fitzgerald viết.
Trong khi đó, UWA đã yêu cầu các cựu sinh viên trường xem xét việc tiếp nhận sinh viên.
“Những gì bạn cần làm là cung cấp một phòng ngủ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, bạn sau đó sẽ được hoàn trả đầy đủ sinh hoạt phí và cơ sở vật chất mà sinh viên đã sử dụng", Giám đốc phát triển Fiona Allan và Quản sinh Jenny Gregory viết trong một email gửi các cựu sinh viên hồi tháng 12.
Quá tải, bóc lột
Hội sinh viên của các trường đại học ở Western Australia đã viết thư cho chính quyền tiểu bang yêu cầu "can thiệp khẩn cấp để hỗ trợ sinh viên" về chỗ ở.
“Chúng tôi lo ngại về tình trạng quá tải và tình trạng bóc lột thêm các sinh viên sống trong nhà trọ sinh viên, những người hiện không được bảo vệ bởi các quyền thuê nhà thông thường. Thêm vào đó, nhiều trường đại học đã thuê người ngoài quản lý hệ thống nhà ở của mình, dẫn đến một số người lợi dụng sinh viên và thậm chí cho những người không phải là sinh viên thuê nhà ở các trường", trích thư.
Chính quyền tiểu bang thừa nhận đã thúc đẩy việc quay trở lại của sinh viên quốc tế cũng như tình trạng thiếu chỗ ở dự kiến trong học kỳ một. Người phát ngôn của bang cho biết đại dịch gây ra nhiều yếu tố khiến việc dự đoán số lượng người đến Australia trở nên khó khăn.
"Đối tác với chính quyền bang đang nghiên cứu các cơ hội tạo điều kiện đầu tư và phát triển chỗ ở dành cho sinh viên trong bang, bao gồm tái sử dụng chỗ ở khách sạn chưa được sử dụng", ông nói.
Hameed Mohammad, người đại diện cho sinh viên sau đại học tại Hội đồng Hiệp hội Sau đại học Australia, chỉ trích các trường đại học vì không cung cấp đủ hỗ trợ cho sinh viên quốc tế.
“Các trường đại học rất muốn sinh viên quốc tế quay trở lại, nhưng khi họ quay lại thì không còn nơi nào cho họ ở lại. Chúng tôi cần sự hỗ trợ tốt hơn từ các trường đại học, thay vì chỉ xem sinh viên quốc tế như một con bò sữa và một nguồn kiếm thêm tiền”, ông nói.
Theo zingnews