leftcenterrightdel
 

Là một trong những quốc gia phát triển và có hệ thống giáo dục được đánh giá là hàng đầu châu Á, Nhật Bản hiển nhiên đã trở thành một trong những địa điểm thu hút các bạn học sinh, sinh viên trên khắp thế giới đến để học tập.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn rất chú trọng đến yếu tố phát triển con người. Không ít lần chúng ta có thể nghe và thấy được những câu chuyện về cử chỉ đẹp đẽ của người dân xứ sở Mặt Trời mọc. Điển hình là trong trận đấu World Cup được tổ chức vào ngày 20/11 vừa qua, những cổ động viên Nhật gây ấn tượng với thế giới vì hành động ở lại dọn khán đài sau khi trận đấu kết thúc.

leftcenterrightdel
 Nhật Bản thu hút nhiều du học sinh nhờ vào hệ thống giáo dục chất lượng

Tính đến ngày 1/5/2021, trong số tổng học sinh, sinh viên quốc tế du học tại Nhật Bản, số lượng sinh viên Việt Nam xếp thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Nhưng dù được nhiều sinh viên lựa chọn, việc sinh hoạt tại một đất nước xa lạ không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt là trong vấn đề nhà ở. 

Những khó khăn ban đầu

Anh Nguyễn Thắng Nam, 30 tuổi, hiện đang là du học sinh tự túc tại Nhật Bản cũng đã phải trải qua một hành trình tìm thuê nhà. Khi mới sang Nhật để học tập, anh đã lựa chọn sống khu ký túc xá liên kết với trường. Đến lúc có nhu cầu chuyển ra ngoài, anh Nam bắt đầu tìm hiểu về các công ty môi giới bất động sản của người Việt tại Nhật Bản.

“Khó khăn đầu tiên mình gặp phải là về rào cản ngôn ngữ khi trao đổi trực tiếp với các công ty bất động sản Nhật, đặc biệt là lúc họ gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin. Thêm nữa là phần bảo lãnh khi thuê nhà cũng khá phức tạp", anh Nam chia sẻ.

leftcenterrightdel
Căn phòng hiện tại anh Nam ở được tìm thông qua công ty môi giới. 

Không giống như những quốc gia khác - nơi du học sinh có thể trực tiếp đứng ra thuê nhà và chịu trách nhiệm với căn nhà đã thuê, pháp luật Nhật Bản lại quy định các du học sinh bắt buộc phải có người bảo lãnh khi muốn thuê nhà tại đây.

Theo đó, người bảo lãnh sẽ là người chịu trách nhiệm cho hợp đồng thuê nhà, đồng thời cũng là người phải trả bất kỳ chi phí thuê hoặc thiệt hại nào nếu người thuê không thể thanh toán hoạt đột ngột chấm dứt hợp đồng. 

Chính vì thế, người bảo lãnh phải là công dân Nhật Bản và có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng quen biết hoặc có người thân là người Nhật để đứng ra bảo lãnh. Những lúc này, họ buộc phải tìm đến các công ty môi giới, đồng nghĩa với việc phải mất thêm một khoản phí cho mỗi lần dịch vụ cũng như phí gia hạn hằng năm.

Tiền đầu vào rẻ là tiêu chí hàng đầu

“Tiền thuê nhà của mình hiện tại bao gồm tiền đầu vào khoảng 150.000 yen (khoảng 27 triệu đồng), tiền nhà 42.000 yen (khoảng 7,5 triệu đồng), thêm phí quản lý 3.000 yen (hơn 500 nghìn đồng), vậy là mỗi tháng mình phải trả 45.000 yen (khoảng 8 triệu đồng)".

Theo thống kê của trang Trading Economics, mức lương trung bình ở Nhật Bản vào tháng 2/2022 là 318.510 yen/tháng (tương đương 57 triệu đồng). Vậy nên với thu nhập từ công việc làm thêm rơi vào khoảng 150.000 - 190.000 yen mỗi tháng, việc chi tiêu của anh Nam sau khi đã đóng tiền thuê nhà cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chi phí đầu vào lại là một vấn đề không nhỏ. 

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Căn phòng khá đầy đủ tiện nghi và thoải mái cho một người ở.

Ở Hàn Quốc, những sinh viên khi thuê nhà thường sẽ phải trả hai loại tiền, đó là tiền cọc và tiền thuê hàng tháng. Nếu muốn thuê một căn phòng đơn với đầy đủ tiện nghi, có thể nấu ăn trong nhà và nhà vệ sinh riêng thì sẽ rơi vào khoảng từ 200.000 - 500.000 KRW (tương đương khoảng 3 đến 8 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, đối với những căn nhà như thế này, mức tiền cọc thường sẽ rất cao, thậm chí có thể lên đến gấp 10 lần so với giá tiền thuê nhà.

Nếu để so sánh với Hàn Quốc thì tiền cọc ở Mỹ có vẻ khá dễ thở. Hiện nay, giá thuê nhà ở các thành phố lớn của Mỹ như New York hoặc Los Angeles thường dao động trong khoảng từ 1.100 - 1.300 USD (khoảng 27 - 32 triệu đồng) cho một căn phòng tương tự. Nhưng trái ngược với khoản tiền cọc cao ở Hàn Quốc, tiền cọc nhà ở Mỹ thường chỉ khoảng 1 tháng tiền nhà, tương đương với giá thuê nhà tại Việt Nam.

Không giống như các nước khác, tiền thuê nhà ở Nhật thường bao gồm một khoản gọi là chi phí đầu vào. Tuy theo từng khu vực cũng như yêu cầu của từng nhà, khoản chi phí này sẽ bao gồm tiền lễ (cảm ơn chủ nhà đã cho thuê nhà), tiền phí môi giới trả cho công ty bất động sản, tiền phí bảo lãnh, tiền thay ổ khoá và tiền bảo hiểm. Nếu cộng lại tất cả các khoản thì số tiền mà du học sinh phải bỏ ra để vào nhà mới sẽ rất cao, thậm chí là gấp 3 - 4 lần tiền thuê hàng tháng.

“Vậy nên mình muốn tìm những căn đầu vào rẻ, tiền hàng tháng phù hợp với ngân sách nữa", đó là tiêu chí tìm nhà quan trọng bậc nhất không chỉ của riêng anh Nam và còn là của tất cả những du học sinh khi đến Nhật Bản.

Bên cạnh đó, căn hộ anh Nam đang ở được gọi là Apato, đây là một dạng nhà tập thể cỡ vừa và nhỏ, thường cao từ 2 đến 4 tầng, với chất liệu chủ yếu là gỗ hoặc thép nhựa, tường thạch cao. Apato là cách đọc của từ 'アパート' trong tiếng Nhật, và bắt nguồn từ 'apartment' có nghĩa là chung cư, căn hộ trong tiếng Anh.

Khi chia sẻ về những quy định của chủ nhà, anh Nam cho biết: “Họ chỉ yêu cầu không chơi nhạc cụ và không được nuôi động vật. Vì nhà này ở Nhật người ta gọi là APATO nên tường mỏng và chống ồn kém, nên mình cũng hạn chế làm ồn là được".

Không phải công ty nào cũng có dịch vụ tốt, tránh xa kiểu nhà có giá rẻ bất ngờ

Tương tự như anh Nam, bạn Phạm Thu Hằng, 23 tuổi hiện cũng là du học sinh tự túc tại Nhật Bản. Khi mới sang Nhật vào năm 2020, Hằng may mắn được người quen và bạn bè ở Nhật hỗ trợ tìm phòng, vậy nên quá trình này không phải gặp quá nhiều khó khăn.

Chia sẻ về thu nhập cũng như tiền thuê nhà của mình, Hằng cho hay: “Tiền cọc nhà của mình là 35.000 yen (khoảng 6 triệu đồng), tiền thuê hàng tháng hiện tại là 54.000 yen (khoảng 9,6 triệu đồng). Thu nhập của mình tầm 200.000 yen/tháng (tương đương 35,7 triệu đồng), mình ở với một chị nữa nên tính ra thì mỗi tháng chỉ mất khoảng 35.000 yen".

Công việc của Hằng là làm thêm tại một quán sushi của người Nhật. Mỗi ngày bạn phải đạp xe hơn 1 tiếng để đến được chỗ làm, nhưng bù lại là khoản tiền thuê thấp và gần với trường học - Trường Nhật ngữ Tokyo Sanritsu. 

Theo bạn chia sẻ, thủ tục thuê nhà tại Nhật tương đối phức tạp: “Khi mình thuê nhà đầu tháng thì không thể vào nhà từ ngày 1, 2, 3. Tiền đầu vào thường rất cao, khoảng tầm 200.000 yen, sau khi gia hạn hợp đồng thì mình cũng phải mất thêm khoảng 1 tháng tiền nhà. Đến ra nhà cũng mất tiền nữa".

leftcenterrightdel
 

Đặc biệt, có một số công ty bạn Hằng cho rằng nên tránh xa nhất có thể. Đặc điểm chung là dù có nhiều tiện ích nhưng loại nhà này cũng thường đi kèm với bất cập. Tiền đầu vào của các công ty này rất rẻ, tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung thì tiền thuê hàng tháng sẽ khá đắt. Ngoài ra bạn còn dễ rơi vào những trường hợp bị kiểm tra nhà bất ngờ và chịu những khoản phạt trên trời rơi xuống, có khi lên đến 200.000 - 300.000 yen (khoảng 35 - 53 triệu đồng). 

leftcenterrightdel
 

“Nếu mình thuê trúng là coi như bỏ luôn, nhà này thì người nào ở lâu bên Nhật cũng sợ hết, tại vì khi ra nhà họ sẽ tìm hết lỗi nọ đến lỗi kia để bắt phạt mình. Vậy nên tiền cọc coi như mất luôn. Vậy nên bọn mình đa phần ở share house (nhà chung có nhiều phòng) hoặc là apato", bạn Hằng cho biết thêm.

Đó chính là một trong những lý do khiến kiểu nhà có tiền đầu vào thấp bất ngờ được nhiều du học sinh coi là một kiểu nhà dễ vào, khó ra.

Nhìn chung, việc thuê nhà ở Nhật đối với những du học sinh không phải là một điều dễ dàng vì luật pháp nước này tồn tại khá nhiều quy định khắt khe. Theo bạn Hằng, hành trình này dường như chỉ có thể dễ dàng hơn đôi chút nếu có người quen tại đây: “Nói chung là vẫn có nhiều cái bất cập lắm ạ, nếu có quan hệ rộng với mọi người ở đây thì sẽ dễ hơn".

* Danh tính nhân vật đã được thay đổi

Nguồn: NVCC

Sông Thương