Bạn đọc hỏi: Những ngày qua dư luận xôn xao về vụ việc 2 nghệ sĩ Việt Nam bị tố hiếp dâm người dưới 18 tuổi ở Tây Ban Nha. Vậy theo quy định hiện hành, người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài có được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam? Lê Hải Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài có bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam? ảnh 1

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo nguyên tắc quốc tịch, công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam ở bất cứ nơi nào, đồng thời phải tuân thủ pháp luật ở nước sở tại. Người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài sẽ bị pháp luật Việt Nam xử lý trong trường hợp nước đó có ký kết các hiệp định về dẫn độ để đưa người này về Việt Nam tiến hành thủ tục tố tụng, khi đó hành vi được cho là phạm tội của người này phải được áp dụng bằng pháp luật Việt Nam.

Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.

Theo đó, đối với một hành vi phạm tội tại nước ngoài, pháp luật hình sự của Việt Nam vẫn sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, tuy nhiên hành vi đó phải được “BLHS quy định là tội phạm”. Điều này có nghĩa, cùng là một hành vi, pháp luật của nước khác quy định đó là hành vi phạm tội, nhưng đối với BLHS của Việt Nam, hành vi đó không cấu thành tội phạm thì không có căn cứ xử lý tại Việt Nam.

Còn nếu hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo pháp luật Việt Nam thì cá nhân thực hiện hành vi vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì theo nguyên tắc quốc tịch, công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam ở bất cứ nơi nào, đồng thời phải tuân thủ pháp luật ở nước sở tại.

Người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài có bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam? ảnh 2

Theo quy định luật pháp tại Tây Ban Nha, quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị xử lý phạt tù 15 năm

Như vậy, người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam trong trường hợp nước đó có ký kết các hiệp định về dẫn độ để đưa người vi phạm về Việt Nam tiến hành thủ tục tố tụng. Khi đó hành vi được cho là phạm tội phải được áp dụng bằng pháp luật Việt Nam.

Việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp, nước ký kết này sẽ dẫn độ công dân của nước ký kết kia đang ở trên lãnh thổ của nước mình cho nước kia để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án, quyết định hình sự.

Hiện nay, Việt Nam và Tây Ban Nha đã có văn bản hợp tác về tư pháp thông qua Thông báo số 34/2017/TB-LPQT về việc thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Hình thức dẫn độ được quy định tại khoản 1 Điều 20 về chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự tại thông báo này. Cụ thể, “thông qua Cơ quan trung ương, các bên có thể chuyển giao việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho các cơ quan tư pháp của bên kia khi xét thấy bên đó có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hành điều tra, truy tố và xét xử tội phạm”.

Bên được yêu cầu phải thông báo cho bên yêu cầu thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ án được chuyển giao và nếu thấy phù hợp, gửi cho bên yêu cầu bản sao quyết định được ban hành. Nếu không có hiệp định tương trợ tư pháp, việc tương trợ trong việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra… sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể.

Vụ việc hai nghệ sĩ Việt bị tố cáo hiếp dâm cần chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng trên cơ sở các căn cứ pháp lý và tiến trình thực hiện thủ tục tố tụng tại nước sở tại. Nếu có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng sẽ cần tiến hành các cuộc điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quy định luật pháp tại Tây Ban Nha, theo dự luật mới đã được Hạ viện thông qua tháng 5-2022, thì quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tội hiếp dâm và phải chịu án tù lên đến 15 năm. Dự luật yêu cầu phải có sự đồng thuận rõ ràng đối với các hành vi tình dục. Theo đó, đồng ý là sự thể hiện rõ ràng ý chí của một người, sự im lặng hoặc thụ động không phải là sự đồng ý.

Trong khi đó, luật pháp Việt Nam cũng đã quy định về hành vi hiếp dâm tại Điều 141 BLHS 2015. Theo đó, người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân đối với người 17 tuổi sẽ phạm tội hiếp dâm với mức phạt từ 5-10 năm tù.

Nếu quan hệ tình dục với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có trả tiền thì bị xử lý về tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Khi nhận được tố cáo về hành vi hiếp dâm, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ có hành vi quan hệ tình dục hay không và hành vi quan hệ tình dục có trái ý muốn hay không. Về việc 2 hoặc nhiều người cùng thực hiện hành vi hiếp dâm đối với 1 người, theo Khoản 2 Điều 141 BLHS 2015, mức hình phạt sẽ bị áp dụng là từ 7-15 năm.

Theo ANTD