Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31-8, phóng viên đã thông tin, theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2015 số người nhập quốc tịch trở lại Việt Nam chỉ khoảng 30 người, trong khi số người xin thôi quốc tịch Việt Nam là gần 4.000 người, trong số này có cả những “đại gia”. “Việc này có phản ánh xu thế gì hay có nguy cơ chảy máu chất xám không?”, phóng viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.

Trả lời về vấn đề này Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc xin nhập và xin thôi quốc tịch là quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận yêu cầu và giải quyết đúng luật định. Con số thống kê cho thấy đa số các trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài là các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài, nhập quốc tịch theo chồng.

Quy định của một số nước thì những công dân này phải thôi quốc tịch Việt Nam thì mới được nhập quốc tịch nước ngoài. Mỗi năm có hàng vạn phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài nhưng thực tế số xin nhập tịch nước ngoài cũng không nhiều vì quy định mỗi nước khác nhau. Nhiều nước không yêu cầu khi nhập quốc tịch nước họ thì phải thôi quốc tịch Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì công dân có nguyện vọng thay đổi quốc tịch để thuận tiện làm ăn, sinh sống. Thực tiễn hầu hết người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, gần đây có một số trường hợp công dân là chủ doanh nghiệp xin nhập quốc tịch nước ngoài mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

“Trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẽ rà soát và tổng kết lại việc thực hiện pháp luật về quốc tịch (bao gồm cả việc xin nhập, xin thôi, xin trở lại... quốc tịch Việt Nam). Sau khi rà soát, nếu cần thiết, Chính phủ sẽ trình các kiến nghị sửa đổi luật, điều chỉnh để hoàn thiện Luật Quốc tịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo baohaiquan.vn