Ngày 20/6, tòa án quận Osaka đã bác đơn kiện của 3 cặp đồng giới, yêu cầu chính phủ bồi thường 1 triệu yen/người (khoảng 7.400 USD), vì cho rằng không công nhận hôn nhân đồng giới là vi phạm quyền bình đẳng theo hiến pháp của họ.

Nhưng tòa án đã đứng về phía chính phủ. Theo đó, tòa án phán quyết rằng theo hiến pháp, định nghĩa về hôn nhân không mở rộng cho quan hệ đối tác giữa những người cùng giới tính, đài truyền hình NHK đưa tin.

Theo CNN, phán quyết của tòa án Osaka đã làm tiêu tan hy vọng của các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính, nhóm đang gây sức ép buộc chính phủ phải suy nghĩ lại về việc phản đối hôn nhân đồng giới.

 
quyen LGBT o nhat ban anh 1

Các nguyên đơn bên ngoài tòa án Osaka vào ngày 20/6. Ảnh:CNN.

Quyết định lần này của tòa án Osaka trái ngược với phán quyết lịch sử của tòa án quận Sapporo, tỉnh Hokkaido vào tháng 3/2021.

Thời điểm đó, tòa án Sapporo đã đưa ra phán quyết rằng chính phủ không công nhận hôn nhân đồng giới là vi phạm quyền bình đẳng theo hiến pháp, dù tòa án này cũng bác bỏ yêu cầu bồi thường tương tự.

Hôn nhân đồng giới ở châu Á

Nhật Bản vẫn là quốc gia nằm trong nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) duy nhất không công nhận kết hợp dân sự đồng tính hay hôn nhân đồng giới ở cấp quốc gia.

Tuy nhiên, một số vùng ở nước này đã phát hành "chứng chỉ quan hệ đối tác" (partnership certificates), cấp một số quyền cho các cặp đồng tính, chẳng hạn cho phép họ thuê tài sản hay có quyền thăm khám tại bệnh viện.

Nhật Bản đã công nhận đồng tính là hợp pháp vào năm 1880. Điều này được cho là cởi mở khi so sánh với luật pháp một số quốc gia châu Á khác.

Ví dụ, đến nay quan hệ đồng tính nam vẫn là bất hợp pháp tại Singapore, dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi thay đổi luật pháp.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết quan hệ tình dục đồng giới không còn là tội hình sự. Tuy nhiên, nước này không công nhận hôn nhân đồng giới.

Trung Quốc cũng không công nhận hôn nhân đồng giới, dù nhận thức về cộng đồng LGBT ở nước này ngày càng tăng. Không có luật nào chống lại các mối quan hệ đồng giới ở đất nước tỷ dân, song đó vẫn là chủ đề cấm kỵ, thường xuyên bị soi xét và thậm chí bị kiểm duyệt trên mạng xã hội.

Một số nơi khác ở châu Á khác đã có sự tiến bộ trong vấn đề công nhận các mối quan hệ đồng giới.

Năm 2019, Đài Loan (Trung Quốc) trở thành nơi đầu tiên ở châu Á công nhận hôn nhân đồng giới. Cơ quan lập pháp ở đây cho phép các đôi đồng giới được đăng ký kết hôn, mở ra cánh cửa hy vọng cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới).

 
quyen LGBT o nhat ban anh 2

Khoảnh khắc hạnh phúc của cộng đồng LGBT khi Đài Loan công nhận hôn nhân đồng giới.

Trong tháng 6/2022, Thái Lan đã tiến một bước gần hơn đến việc trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Các nhà lập pháp nước này đã thông qua 4 dự luật khác nhau nhằm cung cấp nhiều quyền hơn cho các cặp đồng tính.

Cụ thể, ngày 15/6, Quốc hội Thái Lan đã thông qua 4 dự luật khác nhau, hiện được hợp nhất thành hai đề xuất đối lập - ủng hộ hôn nhân đồng giới hoặc quan hệ đối tác dân sự đồng tính - để các nghị sĩ bỏ phiếu.

Nếu được thông qua thành luật, dự thảo Đạo luật Đối tác Dân sự (Civil Partnerships) sẽ cho phép các cặp đồng giới cùng quản lý tài sản giống như họ đã kết hôn. Luật cũng bao gồm các điều khoản để một trong hai người được nhận thừa kế hoặc hỗ trợ vợ/chồng nếu một trong hai qua đời.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các cặp đồng giới có được mang cùng họ hay cùng nộp đơn xin trợ cấp an sinh xã hội như dự luật hay không. Họ cũng sẽ không được nhận giấy đăng ký kết hôn.

Song những người ủng hộ quyền LGBT mong muốn bình đẳng hôn nhân cho người đồng giới. Họ cho rằng tạo ra một phạm trù riêng biệt cho các cuộc hôn nhân đồng giới đồng nghĩa với coi những người LGBT là "công dân hạng hai".

Bốn dự luật liên minh đồng tính sẽ được cân nhắc bởi một ủy ban gồm 25 thành viên.

Ủy ban này sẽ quyết định gửi bất kỳ dự luật nào trong số đó, hay dự thảo tổng hợp, lên quốc hội Thái Lan để đọc thêm hai lần nữa. Sau đó, chúng sẽ cần được thượng viện xem xét và nhận được sự chấp thuận của hoàng gia để trở thành luật.

Theo Zing