Sisi (sinh năm 2001) rời nhà máy làm việc ở Đông Hoản, Quảng Đông, Trung Quốc lúc 8 giờ tối. Cô để tóc ngắn, mặc sơ mi thùng thình, kết hợp quần jean và giày lười nam. Sisi mặc đồ như thế để tránh sự chú ý không mong muốn từ nam giới. "Tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều theo cách này", cô nói.

Câu nói gợi nhắc về những tổn thương mà cô gái trẻ từng trải qua. Là người sống sót sau nhiều vụ cưỡng hiếp, Sisi (đã đổi tên) và câu chuyện của cô từng gây rúng động Trung Quốc, tập trung sự chú ý của công chúng đến một vấn đề được coi là cấm kỵ: lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Câu chuyện của cô cũng cho thấy rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ Trung Quốc. Trong khi chính phủ đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn tội phạm tình dục trong những năm gần đây, những người sống sót vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và đấu tranh để tìm công lý. Và sự thiếu hỗ trợ này gây ra thêm nhiều vết sẹo tinh thần.

Sisi thường mặc đồ rộng, cắt tóc ngắn như nam giới. Ảnh: Sixthtone.

 

Năm 2012, khi 11 tuổi, Sisi mang thai sau nhiều lần bị tấn công tình dục. Thủ phạm là người đàn ông 74 tuổi, sống cùng làng với gia đình cô ở tỉnh Hồ Nam. Người này bị kết án 12 năm tù vào tháng 4/2013 - một tháng trước khi Sisi sinh con.

Đây là một trong những vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em gây chấn động quốc gia vào năm đó. Nhưng nỗi đau chưa dừng ở đó. Sau khi Sisi sinh con ở tuổi 14, gia đình gửi cô đến thành phố Thâm Quyến và nhờ Xia - người đàn ông điều hành một số cơ sở mẫu giáo trong thành phố chăm sóc. Ở đó, cô bé lại mang thai.

Sisi cáo buộc Xia cưỡng hiếp cô. Năm 2015, cô gái sinh đứa con thứ hai. Vụ việc gây ra cơn giận dữ thậm chí còn lớn hơn. Các nhà báo đổ xô về quê nhà của Sisi ở Hồ Nam.

Thế nhưng, người đàn ông Xia chưa bao giờ bị buộc tội và vụ việc không được giải quyết. Cảnh sát Thâm Quyến không có động thái gì khiến Lai Weinan, một luật sư đại diện cho Sisi trong vụ án gặp khó khăn. Lai nói: "Chúng tôi đã báo cáo vụ việc vào năm 2015 và chỉ ra rằng xét nghiệm ADN sẽ dễ dàng chứng minh người đàn ông đó là hung thủ. Câu trả lời duy nhất của cảnh sát là họ hiểu tình hình và sẽ theo dõi vụ việc. Nhưng rồi họ đã không làm bất cứ điều gì và cuối cùng bác bỏ vụ án với lý do thiếu bằng chứng".

Sisi đi dạo với con gái nhỏ tại một công viên ở Bắc Kinh, ngày 7/6/2016. Ảnh: Sixthtone.

 

Khi được phỏng vấn, văn phòng cảnh sát Thâm Quyến xác nhận đã đóng hồ sơ vụ việc vì không đủ bằng chứng, đồng thời thêm rằng người điều tra vụ án đã rời khỏi Sở. Sisi được quyền yêu cầu các nhà chức trách mở lại vụ án, nhưng cuối cùng cô quyết định không làm vậy vì "muốn tiếp tục cuộc sống yên ổn".

Lai nói cách xử lý vụ án đã gây ra tổn hại lâu dài cho cuộc đời Sisi. "Việc không nhận được sự hỗ trợ cần thiết có thể làm thay đổi cả cuộc đời của một nạn nhân. Với Sisi, chúng ta có thể thấy cô ấy đã mất niềm tin vào người khác", Lai cho hay.

Trong những năm sau đó, hệ thống tư pháp Trung Quốc bắt đầu lưu ý những trường hợp như Sisi một cách nghiêm túc hơn khi lạm dụng tình dục trẻ em trở thành vấn đề nhức nhối. Từ con số 125 trường hợp vào năm 2013 đã tăng lên hơn 300 mỗi năm.

Năm 2016, Chính phủ ban hành đạo luật bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương, nhất là những đứa trẻ bị "bỏ lại phía sau" ở các vùng nông thôn do cha mẹ lên thành phố làm việc. Năm ngoái, Trung Quốc ban hành cơ chế báo cáo bắt buộc về lạm dụng trẻ em. Theo đó yêu cầu những người tiếp xúc gần gũi với trẻ vị thành niên, bao gồm giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên khách sạn, người làm từ thiện phải báo cáo bất kỳ hành vi nghi ngờ lạm dụng tình dục và cảnh sát sẽ nhanh chóng vào cuộc điều tra.

Một bé gái là nạn nhân lạm dụng tình dục vẽ tranh tại nhà ở tỉnh Hà Nam ngày 13/5/2014. Ảnh: VCG.

 

Theo Zheng Ziyin - Phó giám đốc Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc - các quy định mới tạo ra sự khác biệt thực sự, vì các trường học không còn động cơ để che đậy hành vi lạm dụng. Năm ngoái, chính quyền tỉnh Hồ Nam đưa ra cáo buộc hình sự đối với hai hiệu trưởng vì không báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục. "Các trường học từng lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì xảy ra trong khuôn viên trường như một tiêu chí an toàn trong môi trường học đường. Nhưng giờ đây, quy định mới được hiểu là nếu im lặng về các trường hợp lạm dụng trẻ em, bạn sẽ gặp rắc rối".

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng. Từ năm 2017 đến giữa năm 2019, 8.332 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được xử lý, chỉ tăng nhẹ so với 7.610 vụ được xử lý từ năm 2013 đến 2015.

Đối với Sisi, các quy định mới vẫn chưa đủ để bảo vệ các cô gái khỏi bị lạm dụng. "Bạn có tin rằng tất cả kẻ xấu đã biến mất? Bạn có nghĩ rằng các luật mới sẽ chỉ đơn giản là khiến chúng sợ hãi? Tôi không nghĩ vậy", cô nói.

Sisi trong cuộc phỏng vấn tại một địa điểm ở Quảng Đông ngày 4/3/2021. Ảnh: Sixthtone.

 

Có vẻ như Trung Quốc chưa làm được gì nhiều để thay đổi thái độ của cộng đồng về lạm dụng trẻ em. Nạn nhân thường xuyên bị đổ lỗi khi sự việc xảy ra, khiến họ phải chịu thêm những vết sẹo tinh thần khó lành. Zheng cho biết: "Các bậc phụ huynh lớn tuổi và những người ở nông thôn khó có thể hiểu được những thảm kịch này. Khi sự việc xảy ra, nạn nhân hồi phục được là điều cực kỳ khó khăn".

Trong trường hợp của Sisi, sự thiếu thấu hiểu của gia đình là nguồn cơn của nỗi đau và sự bất lực trong 5 năm qua. Kể từ khi còn nhỏ, Sisi hầu hết phải tự lo cho bản thân. Bố mẹ không hạnh phúc trong hôn nhân và thường xuyên đánh đập cô. Sau khi Sisi bị hãm hiếp, họ nhanh chóng cho rằng sự việc này là dấu hiệu cho thấy con gái của họ "hư hỏng". Lúc Sisi rời Hồ Nam chuyển đến sống ở một trung tâm cho phụ nữ ở Bắc Kinh sau khi sinh em bé thứ hai, người bố nói với cô rằng: "Mày mang lại nỗi nhục cho gia đình".

Dần dần, Sisi tỏ ra miễn cưỡng khi phải phụ thuộc vào người khác. Khi Sixth Tone gặp cô lần đầu năm 2016, cô đang sống trong một ngôi nhà do tổ chức từ thiện Quỹ Hy vọng trẻ em ở Bắc Kinh cùng con thứ hai. Các nhân viên xã hội của tổ chức này đang sắp xếp đào tạo hướng nghiệp cho cô, và hứa giúp cô tìm được một công việc. Nhưng Sisi chưa bao giờ hoàn thành được khóa đào tạo này. Cô rời trung tâm vào tháng 6/2018 vì sợ sẽ bị dựa dẫm quá nhiều vào những người giúp đỡ mình. Cô nói: "Đôi khi, tôi hối tiếc về điều đó vì còn quá trẻ và sự hấp tấp. Nhưng quá khứ là quá khứ. Giờ đây tôi là người trưởng thành. Tôi phải dựa vào chính mình. Tôi phải kiếm tiền để nuôi con".

Sisi trầm tư khi kể lại cuộc đời mình. Ảnh: Sixthtone.

 

Sau khi trở về nhà ở Hồ Nam, mối quan hệ của Sisi với bố mẹ càng tồi tệ hơn. Bố có vẻ như không tin tưởng cô. Cô kể: "Khi tôi làm tài xế giao đồ ăn cho Meituan, ông ấy còn hỏi tôi: 'Mày có thật sự giao đồ ăn không, hay còn làm gì khác?'. Cùng lúc đó, ông vẫn quyết tâm sắp xếp cho con gái một mối chồng. Khi Sisi nằm viện một tháng và bị sốt nhẹ liên tục - di chứng của những vụ tấn công tình dục trước đây, khiến cô bị viêm đường sinh dục nặng - bố cô vẫn sắp xếp cho vài mối gần nhà.

Sisi tức giận vì hành động của bố, nhưng rồi đành quyết định chọn ngay mối đầu tiên. Cô đã có đứa con thứ 3 với người này và gọi anh là chồng mặc dù chưa đăng ký kết hôn. Cô chia sẻ: "Anh ấy lớn hơn tôi 18 tuổi nhưng đối xử với tôi rất tốt và bố mẹ anh ấy cũng vậy. Khi tôi thấy bố mẹ anh ấy chăm sóc con trai tôi, tôi cảm thấy rằng đó là tình yêu mà tôi thiếu".

Sisi nói rằng cô hạnh phúc với chồng chưa cưới nhưng vẫn sợ hầu hết đàn ông ở chỗ làm. Cô chỉ kết bạn với đồng nghiệp nữ. "Chúng tôi có thể hiểu nhau hơn và nói chuyện thoải mái hơn", cô nói.

Sisi không muốn đào lại quá khứ. Mới 20 tuổi, cô đã là người mẹ 3 con, và mối bận tâm chính hiện là làm sao đảm bảo con lớn lên trong một môi trường lành mạnh và an toàn. Cô không lo lắng nhiều về con gái thứ hai và trai út vì chúng đang sống cùng bố mẹ chồng. Cô lo nhiều cho con gái cả - Yanyan - được bố mẹ Sisi nuôi nhiều năm và đang đi học ở trường nội trú. Sisi chia sẻ: "Yanyan rất rụt rè. Mỗi khi tôi thấy nó, tôi thấy bản thân mình. Chúng tôi không nói nhiều... Chúng tôi hay giấu kín. Đó là lý do tôi lo lắng khi bố mẹ tôi cho nó học trường nội trú".

Ông Li - bố của Sisi - quả quyết trường tư tốt hơn trường công mà Sisi học lúc còn nhỏ. Ông nói: "Tôi chắc chắn rằng Yanyan sẽ được an toàn ở đó. Trường quản lý rất nghiêm ngặt. Và chúng tôi đã dạy nó không được ăn hay nhận quà của người lạ".

Nhưng học phí 4.500 NDT mỗi học kỳ là quá đắt đỏ đối với gia đình. Li không có việc làm toàn thời gian và chỉ nhận được 500 NDT mỗi tháng tiền trợ cấp của nhà nước. Gia đình trông chờ vào sự đóng góp của họ hàng để chi trả học phí cho Yanyan. Sisi quyết tâm dành nhiều quyền chăm sóc con cái hơn. Cô dự định đăng ký kết hôn trong năm nay và chuyển hộ khẩu của con về nhà chồng. "Ở đó, cả 3 đứa trẻ có thể sống cùng nhau và học trường công và sẽ được về nhà mỗi tối".

Người mẹ trẻ cũng đang làm việc để tự chủ tài chính. Kể từ cuối tháng 2, cô làm nhân viên giám sát chất lượng ở dây chuyền sản xuất của nhà máy ở Đông Hoản. Cô làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, 6 ngày trong tuần, lương 4.000 NDT/tháng.

"Tìm được việc bên ngoài quê nhà là bằng chứng tốt nhất cho thấy bạn có trách nhiệm với gia đình. Tôi muốn làm việc này lâu để có thu nhập ổn định. Tôi cần tiết kiệm cho bản thân và cho các con. Đôi khi, tôi trách móc chúng vì không trung thực hay lấy đồ của người khác mà không xin phép - nhưng tôi cảm thấy mình như người chị gái lớn của chúng. Tôi lớn lên cùng các con", Sisi nói.

Theo Ione