Hơn 5.000 người đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu thẩm phán Sharad Arvind Bobde từ chức sau khi ông phát biểu: "Nếu bạn muốn kết hôn với cô ấy, chúng tôi có thể giúp. Nếu không, bạn sẽ mất việc và ngồi tù".

Nhận xét về vụ cưỡng hiếp của Bobde làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã đưa ra bản kiến nghị đòi ông này phải từ chức. Trong cáo trạng, bị cáo đã theo dõi, trói, bịt miệng và nhiều lần cưỡng hiếp cô gái, đồng thời đe dọa tưới xăng, thiêu sống cũng như sát hại anh trai cô.

"Bằng cách gợi ý kẻ hiếp dâm này kết hôn với nạn nhân, thẩm phán đã tìm cách kết án nạn nhân bị hãm hiếp suốt đời dưới bàn tay của kẻ hành hạ đến mức khiến cô cố tự tử".

Thẩm phán Ấn Độ Sharad Arvind Bobde. Ảnh: Getty.

 

Các vụ bạo lực tình dục của Ấn Độ trở thành tâm điểm chú ý kể từ sau vụ hiếp dâm tập thể và giết hại một học sinh trên xe bus ở Delhi năm 2012. Nạn nhân thường xuyên bị đối xử phân biệt giới tính dưới bàn tay của cảnh sát và tòa án, bao gồm cả việc được khuyến khích kết hôn với kẻ tấn công họ trên danh nghĩa "các giải pháp hòa giải".

Bản kiến nghị cũng khiến công chúng đổ dồn quan tâm đến phiên điều trần khác hôm 1/3, trong đó ông Bobde được cho đã đặt câu hỏi liệu quan hệ tình dục giữa một cặp vợ chồng đã kết hôn có bao giờ bị coi là hiếp dâm hay không. "Người chồng có thể là một người đàn ông vũ phu, nhưng bạn có thể gọi hành vi giao cấu giữa một người đàn ông đã kết hôn hợp pháp là hành vi hiếp dâm không", ông nói.

Kiến nghị từ các nhà vận động quyền phụ nữ cho biết: "Bình luận này không chỉ hợp pháp hóa bất kỳ hình thức bạo lực tình dục, thể chất và tinh thần nào của người chồng, mà nó còn bình thường hóa sự tra tấn mà phụ nữ Ấn Độ phải đối mặt trong các cuộc hôn nhân trong nhiều năm mà không có bất kỳ biện pháp pháp lý nào".

Bobde chưa lên tiếng trước các chỉ trích.

Người tiền nhiệm của ông, Ranjan Gogoi là nhân vật cấp cao nhất ở Ấn Độ từng phải đối mặt với đơn khiếu nại #MeToo sau khi bị một nhân viên cũ cáo buộc tấn công tình dục. Gogoi trắng án vào năm 2019 sau một cuộc điều tra nội bộ. Vụ việc gây ra hàng loạt cuộc biểu tình trong nước.

Ấn Độ là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ. Trung bình 15 phút có một vụ hiếp dâm xảy ra. Theo số liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, gần 90 vụ hiếp dâm được báo cáo mỗi ngày trong năm ngoái, nhưng số lượng thực tế được cho là lớn hơn do nhiều người không dám tố cáo vì sợ hãi và kỳ thị. Cơ quan này ghi nhận số vụ phạm tội đối với phụ nữ trong năm 2019 tăng hơn 7% so với năm 2018.

Theo Ione