leftcenterrightdel
 60% các vụ tự tử của phụ nữ ở Trung Quốc có liên quan đến bạo lực gia đình. Ảnh:Derek Zheng.

Hôm 10/8, TikToker Hằng Du Mục (tên thật Nguyễn Thị Thái Hằng, sinh năm 1995) đăng ảnh chụp gương mặt bị thương và cho biết bị chồng bạo hành. "Hằng bị xé rách miệng bên trong... Bác sĩ mất 3 giờ mới có thể hoàn thành việc khâu vết thương", cô viết.

Hằng Du Mục cho biết cô đã "im lặng, nhẫn nhịn và chịu đựng sự khống chế, đe dọa trong những năm qua" để bảo vệ các con, cũng như hy vọng giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn. TikToker cho biết phiên tòa xét xử ly hôn sẽ diễn ra vào ngày 20/8.

Bài viết của Hằng Du Mục nhanh chóng lan truyền, thu hút gần 800.000 lượt tương tác chỉ sau một ngày. Nhiều người để lại bình luận thể hiện sự bức xúc trước hành vi bạo lực gia đình và hy vọng Hằng Du Mục cũng như các con của cô sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ, bảo vệ an toàn.

Những con số biết nói

Theo bài phân tích năm 2020 của CGTN, hơn 90 triệu phụ nữ đã kết hôn ở Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với bạo lực gia đình. Trung bình mỗi năm, có khoảng 157.000 phụ nữ Trung Quốc tự tử, khiến nước này trở thành một trong số ít quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tự tử cao hơn nam giới, và trong số đó có 60% vụ tự tử liên quan đến bạo lực gia đình.

Trung bình, các nạn nhân không báo cáo cảnh sát cho đến khi họ bị bạn đời ngược đãi ít nhất 35 lần.

Lin Shuang, tình nguyện viên chống bạo lực gia đình ở Thượng Hải trong 8 năm, nói rằng nhiều phụ nữ phải chịu đựng hơn 30 vụ bạo lực trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc trình báo cảnh sát. 

Khoảng 1/4 phụ nữ ở Trung Quốc được cho là từng trải qua bạo lực gia đình. Cứ 7,4 giây, lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của vấn đề ăn sâu bén rễ này, theo thống kê công bố năm 2021 của Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc, tổ chức phụ nữ lớn nhất nước này.

"Bạo lực sẽ trở thành giải pháp khi luật pháp, đạo đức và đàm phán đều mất kiểm soát", Wang Fengli, nhà xã hội học nghiên cứu về bạo lực gia đình tại Bắc Kinh, cho biết.

Bước tiến về pháp lý

Năm 2001, bạo lực thể xác có thể được coi là lý do để đệ đơn ly hôn ở Trung Quốc. Đến năm 2016, luật chống bạo lực gia đình đầu tiên của quốc gia tỷ dân chính thức có hiệu lực.

Luật này giúp đỡ các nạn nhân bị bạo hành thể xác hoặc tinh thần trong gia đình thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là lệnh bảo vệ an toàn cá nhân chống lại bạo lực gia đình (PPO). Lệnh này có thể cấm kẻ bị cáo buộc bạo hành bắt đầu liên lạc hoặc chung sống với nạn nhân. Thủ tục xin PPO có tính chất độc lập, không cần phải đi kèm với một vụ kiện ly hôn.

Dữ liệu công bố vào tháng 8/2023 cho thấy hơn 15.000 PPO đã được tòa án Trung Quốc ban hành kể từ năm 2016.

Theo phản hồi từ một số nạn nhân, việc xin lệnh này ban đầu rất khó khăn vì không thể thu thập đủ bằng chứng như quy định. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hạ thấp ngưỡng thu thập bằng chứng trong hướng dẫn vào năm 2022.

Theo tòa án tối cao, tỷ lệ đơn yêu cầu PPO được chấp thuận đã tăng từ 52% vào năm 2016 lên 77,6% vào năm 2022, cho thấy các lệnh này hữu ích và đã được áp dụng rộng rãi hơn trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình trên toàn quốc.

leftcenterrightdel
 Luật chống bạo lực gia đình của Trung Quốc được thông qua năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2016. Ảnh:Alamy.

Ngoài ra, năm ngoái, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã công bố một loạt "vụ án mẫu" khẳng định rằng trẻ vị thành niên chứng kiến bạo lực gia đình cũng là nạn nhân và có thể được yêu cầu các lệnh bảo vệ an toàn cá nhân. Động thái này được các chuyên gia pháp lý hoan nghênh.

Theo Zhang Jing, phó giám đốc ủy ban hôn nhân và gia đình tại Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh, những nỗ lực ngăn ngừa trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình là rất quan trọng vì trẻ em có thể có xu hướng bắt chước hành vi đó nếu chúng thường xuyên chứng kiến.

Lỗ hổng còn tồn tại

Peng Chun, phó giáo sư của Trường Luật Đại học Bắc Kinh, cho biết luật chống bạo lực gia đình vẫn còn có lỗ hổng. "Nó bao gồm các cặp vợ chồng, bạn đời chung sống và các thành viên gia đình khác, nhưng không giải quyết vấn đề bạo lực đối với vợ/chồng cũ hoặc bạn đời không còn sống chung".

Điều này thể hiện trong trường hợp của Lamu, blogger ở Tứ Xuyên đã bị chồng cũ thiêu sống trên sóng livestream vào năm 2020. Lamu không còn đủ điều kiện để được bảo vệ vì cô đã ly hôn, mặc dù cô bị chồng cũ ngược đãi và đe dọa trong một thập kỷ trước khi bị sát hại.

Theo Peng, việc xác định yếu tố cấu thành bạo lực gia đình và thu thập bằng chứng vẫn còn khó khăn. Thêm vào đó, luật không giải quyết được vấn đề lạm dụng tình dục hoặc kiểm soát kinh tế trong hôn nhân. Cưỡng hiếp trong hôn nhân vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở Trung Quốc, và cả cơ quan lập pháp lẫn tư pháp đều không nêu rõ thái độ của mình.

leftcenterrightdel
 Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết chính sách "30 ngày chờ đợi" không được áp dụng cho các trường hợp ly hôn vì bạo lực gia đình. Ảnh:Sixth Tone. 

Bên cạnh đó, một số cảnh sát và thẩm phán vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư mà các thành viên nên tự giải quyết. "Hàng nghìn năm chế độ gia trưởng có nghĩa là nam giới phải chịu trách nhiệm về số phận của một gia đình. Trong các xã hội bảo thủ hoặc gia trưởng, tỷ lệ bạo lực gia đình có xu hướng cao hơn", nhà xã hội học Wang Fengli nhận định.

Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng "thời gian cân nhắc" 30 ngày đối với các cặp đôi muốn ly thân - được coi là một nỗ lực nhằm kiềm chế tỷ lệ ly hôn gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng dân số.

Chính sách này đã bị chỉ trích dữ dội vì có khả năng khiến mọi người rơi vào cảnh hôn nhân không hạnh phúc hoặc thậm chí là bạo hành. Đáp lại, Bộ Nội vụ nước này cho biết "thời gian cân nhắc" chỉ được áp dụng cho các vụ ly hôn thuận tình được nộp trong hệ thống dân sự, trong khi nạn nhân của bạo lực gia đình có thể nộp đơn ly hôn tại tòa án.

Theo lifestyle.znews