Vì sao môi giới thuê người mang thai hộ lại bị cấm?
Cập nhật lúc 02:37, Thứ hai, 12/04/2021 (GMT+7)
HÀ NỘI - Luật sư Đặng Văn Cường cho biết người môi giới, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự, còn người mang thai hộ thì không.
Công an Hà Nôi khởi tố bác sĩ khoa sản Nguyễn Danh Hoà cùng Nguyễn Anh Thư và Phạm Ngọc Thảo bị Công an Hà Nội khởi tố để điều tra tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, ngày 9/4.
Nhà chức trách cáo buộc, một cặp đôi không phải vợ chồng nhưng muốn có con chung nên tìm người mang thai hộ. Họ chi hàng trăm triệu đồng cho hai phụ nữ đẻ thuê, chi gần 600 triệu đồng cho hai người môi giới và bác sĩ khoa sản Hoà để làm các thủ thuật cấy phôi và các chi phí khác.
Cuối tháng 2, hai phụ nữ mang thai hộ đã sinh hai bé gái. Bác sĩ Hoà bị cáo buộc đã làm các thủ thuật để tạo phôi từ cặp vợ chồng sau đó cấy phôi vào hai người mang thai hộ. Thư và Thảo giữ vai trò kết nối các bên. Ba bị can chia nhau hưởng lợi 579 triệu đồng.
Thư và Thảo tại cơ quan điều tra. Ảnh: Hưng Yên.
Xung quanh vấn đề pháp lý của vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết từ 1/1/2015, khi Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép mang thai hộ nhưng chỉ vì mục đích nhân đạo. Đây được coi là bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
Theo đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không tư lợi để giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đứa trẻ sinh ra là con hợp pháp của vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Ngược lại, pháp luật hiện hành cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. Mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là một phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Việc tổ chức mang thai hộ bao gồm từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu gặp gỡ, trao đổi và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại
Hành vi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi,... đều bị nghiêm cấm theo khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, theo điều 187 Bộ luật Hình sự.
"Do đó, chỉ người tổ chức mang thai hộ mới bị xử lý, còn người mang thai hộ đơn thuần (không có yếu tố tổ chức) thì không", luật sư nói.
Trong vụ án nêu trên, luật sư cho rằng cặp vợ chồng bỏ tiền ra thuê người tổ chức mang thai hộ nhiều khả năng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người mang thai hộ cũng không bị truy cứu, chỉ những người trung gian, tham vào vào việc tổ chức mang thai hộ mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế, cho hay mang thai hộ có quy định rất chặt chẽ với mục đích để ngăn chặn vấn đề thương mại hóa. Người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ đều phải đáp ứng các điều kiện nhất định như sức khoẻ, nhân thân... Luật chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích 3 đời cùng hàng với cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ.
Theo vnexpress