Cherry Lin, một luật sư 38 tuổi người Trung Quốc, đang ngồi vuốt ve bộ quần áo trẻ sơ sinh. Cô sợ rằng nó có thể đã quá nhỏ với đứa con chào đời cách đây hơn 3 tháng mà cô còn chưa được gặp mặt. Cherry Lin là một trong những người mẹ bị chia cắt với con sau khi thuê phụ nữ nước ngoài mang thai hộ. Đại dịch Covid-19 khiến các nước đóng cửa biên giới nên Lin chưa thể đoàn tụ với con.
Các y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại khách sạn Venice ở Kiev, Ukraina, tháng 5/2020
Sau vài lần sẩy thai, Lin và chồng đã từ Thành Đô (Trung Quốc) đến Nga năm ngoái để làm thụ tinh ống nghiệm và ký hợp đồng với một công ty mang thai hộ. Sau khi xác nhận có thai, cô đã mua sắm các sản phẩm dành cho trẻ em, thậm chí còn tham gia một khóa học cách sơ cứu trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đứa trẻ được sinh ra đúng thời điểm Nga đóng cửa biên giới để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Lin giờ đây chỉ có thể nhìn thấy đứa con vừa chào đời thông qua video mà công ty mang thai hộ cung cấp. Lin chia sẻ: "Chúng tôi không biết mình phải đợi bao lâu. Tôi không thể ngủ khi nghĩ rằng con mình đang mắc kẹt trong trại trẻ mồ côi. Đó không khác gì cơn ác mộng".
Từ năm 2001, Trung Quốc đã cấm tất cả hình thức mang thai hộ do lo ngại phụ nữ nghèo bị bóc lột. Tuy nhiên, với 35.000-75.000 USD, các cặp vợ chồng nước này vẫn có thể tìm người mang thai hộ từ Lào, Nga, Ukraina... Tuy nhiên, dịch vụ mang thai hộ đang rơi vào hỗn loạn bởi đại dịch. Biên giới đóng cửa, các chuyến bay bị hủy, visa bị thu hồi khiến trẻ sơ sinh mắc kẹt ở nước ngoài, chờ đợi bố mẹ đẻ tại Trung Quốc đón về.
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ dịch vụ mang thai hộ quốc tế mắc kẹt ở nước ngoài do đại dịch
Theo giới chức Nga và Ukraine, hàng chục trẻ sơ sinh đã được tìm thấy trong các trại trẻ mồ côi và căn hộ, hầu hết các con thuộc về khách hàng Trung Quốc. Sau vụ việc, các nhà chức trách nói rằng đã cấp giấy phép đặc biệt cho cha mẹ ruột nhận con từ nước ngoài bất chấp việc đóng cửa biên giới. Thế nhưng, yêu cầu kiểm dịch và các chuyến bay không thường xuyên khiến Lin khó có thể gặp con trước tháng 12/2020.
Hầu hết trẻ sinh ra ở nước ngoài không có giấy khai sinh vì cha mẹ ruột chưa thể làm các xét nghiệm ADN cần thiết để chứng minh huyết thống. Cảnh sát Nga và Ukraina đã bắt đầu truy quét những điểm giữ trẻ sơ sinh không có giấy tờ trong bối cảnh lo ngại về nạn buôn người. Ông Dmitriy Sitzko, Giám đốc tiếp thị Trung Quốc của Trung tâm bảo vệ thai nhi Vera ở Saint Petersburg, người đã làm việc với Lin, nói: "Khi cảnh sát tìm thấy nhiều trẻ em không có giấy khai sinh, sống trong một căn nhà với người lạ, họ sẽ nghi ngờ những đứa trẻ này bị bán để lấy nội tạng".
Thông qua công ty ở nước ngoài, Lin đã tìm thấy một trại trẻ mồ côi do nhà nước quản lý và được gửi con miễn phí. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Theo ông Sitzko, một số điểm giữ trẻ ở Nga có thể lấy phí từ 7.000 nhân dân tệ đến 21.000 nhân dân tệ (tương đương 1.000-3.000 USD) mỗi tháng.
Liên hợp quốc cảnh báo việc mang thai hộ vì mục đích thương mại có nguy cơ biến trẻ em thành "hàng hóa" và kêu gọi các nước hợp pháp hóa vấn đề này cần quản lý tốt hơn. Các nhà chính trị và nhà hoạt động ở Nga và Ukraine cảnh báo, phụ nữ và trẻ em đang bị những người nước ngoài giàu có lợi dụng. Tại châu Á, Lào là quốc gia duy nhất cho phép mang thai hộ quốc tế sau khi Thái Lan và Ấn Độ đưa ra lệnh cấm. Nga, Ukraina, Gruzia và Belarus đang là những điểm đến hàng đầu với các đôi vợ chồng Trung Quốc muốn tìm người đẻ thuê. Giá dịch vụ này ở Ukraina và Gruzia là 35.000-50.000 USD, còn tại Nga là 73.000 USD.
Nhu Thụy (Theo AFP, Guardian, Japan Times)