Nói “không” với lạm dụng tình dục trẻ em - Ảnh: videoblocks
Ngày 3-5-2019, kênh truyền hình HBO (Mỹ) đã phát bộ phim tài liệu về vụ án bác sĩ Larry Nassar, vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em lớn nhất trong nền thể thao Mỹ. Đạo diễn Erin Lee Carr giải thích: "Thật ra đây không phải là phim nói về Larry Nassar. Phim dành cho các cô gái đã sống sót".
Bác sĩ xương khớp Larry Nassar 55 tuổi là phó giáo sư Đại học bang Michigan, làm việc cho đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ. Nassar bị truy tố hơn 150 vụ hiếp dâm người chưa thành niên suốt 20 năm (từ năm 1996-2015).
Tòa án hạt Ingham thuộc thành phố Lansing (bang Michigan) đã kết án Nassar nhiều án tù chung thân. Bị cáo đang kháng án.
Chấn thương tâm lý và thể chất
Trong bảy ngày diễn ra phiên tòa vào tháng 1-2018, 168 nạn nhân là vận động viên nữ đã dũng cảm ra trước tòa làm nhân chứng. Trong số này có nhiều vận động viên đoạt huy chương trong nước và quốc tế.
Năm 15 tuổi, Jamie Dantzscher đã bị bác sĩ Larry Nassar lạm dụng trong lúc mátxa hồi phục. Jessica Howard bạn cô cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong lúc mátxa, Nassar yêu cầu không mặc đồ lót rồi sờ mó. McKayla Maroney cần thuốc chống đau, Nassar cho uống thuốc ngủ và hiếp dâm.
Nữ thẩm phán Rosemarie Aquilina nhận xét các nhân chứng đã biết đoàn kết và can đảm đứng lên tố cáo thủ phạm.
Bị cáo Larry Nassar trong một phiên tòa ở Michigan (Mỹ) vào tháng 1-2018 - Ảnh: Getty Images
Trong phim của đạo diễn Erin Lee Carr, các nạn nhân vận động viên đã thẳng thắn nói đến di chứng sau khi bị lạm dụng. Simone Biles xác định: "Tôi không còn sợ kể lại chuyện của mình".
Aly Raisman phát biểu: "Chúng tôi hành động hay không hành động sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Bọn săn mồi thường rút vào im lặng để hành động nên chúng tôi không thể im lặng. Chúng tôi đau khổ trong cô độc nhưng sống sót bên nhau. Điều then chốt là phải đối đầu và quy trách nhiệm cho những kẻ có hành vi lạm dụng tình dục và những người làm ngơ".
Từ vai trò nạn nhân, họ trở thành người hùng, phát ngôn cho các nạn nhân khác đang muốn che giấu tủi nhục.
Lạm dụng tình dục gây chấn thương nặng nề về tâm lý và thể chất đối với trẻ em. Nạn nhân cảm thấy như bị vấy bẩn, lòng tự trọng bị tổn thương, cảm thấy bị xâm chiếm và không thể suy nghĩ đến chuyện nào khác.
Sau khi bị "nựng" và lạm dụng, trẻ em nam cảm thấy mất đi cá tính và nam tính, còn trẻ em nữ sợ mình không thể có con. Ngoài ra, nạn nhân cảm thấy bất lực, có lỗi và xấu hổ vì không thể bảo vệ bản thân.
Đến tuổi biết yêu, nạn nhân khó trải qua cuộc sống tình dục bình thường. Họ luôn nuôi cảm giác nhơ nhuốc, mất giá trị và đáng khinh bỉ. Điều này đôi lúc ảnh hưởng đến xu hướng tình dục như nam thanh niên có thể thành người ấu dâm, nữ thanh niên giữ khoảng cách với nam giới, trở thành người đồng tính, các cô gái có thể bán thân.
Về thể chất, nạn nhân có thể bị chấn thương, nhiễm trùng mãn tính hoặc viêm nhiễm kéo dài. Đau khổ tăng gấp bội do thường xuyên lo âu. Chấn thương tâm lý gây rối loạn thể chất suốt quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt trẻ em tuổi còn nhỏ chưa biết diễn tả biến cố.
Thoát ra khỏi tình trạng xấu hổ
Các nhà nghiên cứu kết luận không có dấu hiệu đặc trưng để nhận dạng trẻ em bị lạm dụng tình dục. Các dấu hiệu bề ngoài có thể giống mắc bệnh thông thường, vì vậy cha mẹ hoặc người thân của nạn nhân phải cố phân biệt.
Tám nạn nhân bị xâm hại tình dục thời thơ ấu thuật lại câu chuyện của họ trong phim tài liệu “Tuổi thơ bị lạm dụng” phát trên đài France 2 - Ảnh: France 2
Ở mọi lứa tuổi, các dấu hiệu cần chú ý gồm: buồn rầu, im lặng, khóc vô cớ; không hứng thú mọi thứ, kể cả chơi đùa; đau bụng, nhức đầu, cứ muốn đi khám bệnh; không tin tưởng, sợ người lớn hoặc ngược lại bám theo người lớn; từ chối đi đây đi đó; hành vi đột ngột thay đổi như học sa sút, gặp ác mộng, mất ngủ, rối loạn ăn uống; tăng động, thủ dâm, muốn tìm cảm giác mạnh; thích khiêu khích với những từ ngữ và ám chỉ về tình dục không phù hợp lứa tuổi; thích nhìn trộm hoặc thích phô bày thân thể; hung hăng với những trẻ khác, nhại lại các điệu bộ đã gánh chịu; sợ tiếp xúc thể xác với bất kỳ ai.
Thông thường, nạn nhân rất ít nói về chuyện bị lạm dụng vì xấu hổ, vì nhìn thấy hình ảnh khủng khiếp của bản thân hoặc vì bị sốc, bị tê liệt. Giới nghiên cứu gọi đây là hội chứng mất trí nhớ do chấn thương.
Để thoát khỏi tình trạng xấu hổ, dám nói về nỗi đau, nhìn nhận mình là nạn nhân và gần gũi hơn với những người thấu hiểu để tự hồi phục, nạn nhân cần phải thẳng thắn vạch trần vụ lạm dụng thời thơ ấu.
Tối 20-11-2018 (Ngày quốc tế quyền trẻ em), kênh truyền hình Pháp France 2 đã phát bộ phim tài liệu Tuổi thơ bị lạm dụng dài 70 phút. Trong phim, anh công nhân Kevin Massé 30 tuổi đã kể lại cơn ác mộng xảy ra từ năm anh 6 tuổi cho đến gần 17 tuổi.
Huấn luyện viên đội bóng trẻ em ban đầu đòi lau người cho Kevin trong phòng tắm, sau đó sờ mó và cuối cùng xâm hại tình dục. Kevin quyết định kể hết mọi chuyện cho cha mẹ sau khi nhìn thấy em trai ngồi trên đầu gối gã huấn luyện viên.
Kevin là một trong tám nạn nhân dũng cảm phá vỡ im lặng kể lại ác mộng trong phim. Bảy nhân chứng còn lại làm nghề diễn viên, y tá, cảnh sát, nhà văn - nhà báo, công nhân, giáo viên, thượng nghị sĩ. Người nhỏ tuổi nhất 35 tuổi và người lớn tuổi nhất 58 tuổi.
Thủ phạm ấu dâm là người quen gia đình, cha ruột, anh trai, hiệu trưởng, mẹ đỡ đầu, linh mục. Đạo diễn Eric Guéret cho biết ông làm bộ phim này nhằm thể hiện các nạn nhân bị ấu dâm dám đấu tranh để tiếp tục sống.
Những dấu hiệu lo ngại Đến tuổi dậy thì, thiếu niên bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu thường có các dấu hiệu rối loạn như trầm cảm, có ý định tự tử hoặc tự gây thương tích; chán ăn hoặc ăn vô độ; hay trốn học và học tập sa sút; bỏ nhà đi, khiêu khích tình dục, hung hãn và tấn công trẻ em nhỏ hơn; uống rượu và dùng chất gây nghiện. Nói chung, cần chú ý đặc biệt đến trẻ em hoặc thiếu niên là mục tiêu dễ tiếp cận như sống tách biệt, dễ bị bắt nạt, thường đi một mình hay phần lớn thời gian ở nhà một mình; tự xoay xở vì cha mẹ ít có thời gian quan tâm; bị khuyết tật. Theo số liệu thống kê, trong 10 trẻ em bị lạm dụng tình dục đã có 4 nạn nhân nuôi ý định tự tử. |
Theo
Tuổi Trẻ