Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng lên đáng kể. Năm 2019, cả nước đưa được gần 153.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm, còn 78.000 và 45.000 người lần lượt qua các năm.
Đến năm 2022, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng trở lại, với tổng số 143.000 người. Trong 9 tháng của năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 111.500 lao động (đạt 101,37% kế hoạch năm 2023). Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ giúp người lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động ở những vùng khó khăn cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình, mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: "Xuất khẩu lao động là một kênh, phương thức rất có hiệu quả. Đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là một phương thức giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt có hiệu quả đối với nhiều đối tượng người lao động tỉnh Quảng Bình. Năm 2022, Quảng Bình đưa được 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, mang ngoại tệ một năm gửi về khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Và thông qua lao động có thời hạn ở nước ngoài, người lao động được đào tạo về tác phong công nghiệp rồi đi về có vốn nhất định. Có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất phát từ một người đi lao động nước ngoài sau về trở thành một kỳ người không chỉ lập nghiệp mà còn sáng nghiệp tạo ra nhiều phương thức làm ăn trong tổ chức sản xuất kinh doanh và tạo ra rất nhiều việc làm".
Gia Lai là tỉnh miền núi, hiện có 930.000 người trong độ tuổi lao động, đa số lao động ở khu vực nông nghiệp. Vừa qua, Gia Lai cũng có những biện pháp để thực hiện chương trình xuất khẩu lao động. Hàng năm, Gia Lai đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 26.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.500 người. Trong năm 2022, đạt được 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài và trong 9 tháng của năm 2023 đạt được gần 1.300 lao động. Việc này, con số từ từ phấn đấu, thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo đi theo con đường chính thống, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân.
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện nay, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở các thị trường, như: Nhật Bản, khoảng 300.000 người; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 250.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình)
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm và được phía bạn đánh giá cao.
"Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Và mức lương, thu nhập của người lao động ở Hàn Quốc là cao nhất hiện nay, khoảng 1.600 đến 2.000 USD/người/tháng. Còn ở Nhật Bản, người lao động có thu nhập 1.200 đến 1.500 USD/người/tháng. Và ở Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 800 đến 1.200 USD/ngươi/tháng và một số nước Châu Âu cũng vậy. Ở thị trường Trung Đông và Malaysia, nếu người lao động có nghề, thu nhập khoảng 600 đến 1.000 USD/người/tháng, đối với lao động phổ thông, không có nghề thì thu nhập 400 đến 600 USD/người/tháng. Nhìn chung, người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài thì nhanh nhẹn, thông minh… được người sử dụng lao động đánh giá cao", ông Liêm nói.