Ảnh minh họa

Dưới đây là kinh nghiệm cụ thể của một số nước:

Philippines

Philippines có Ủy ban liên ngành phòng chống buôn bán người do Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành trong đó có Ủy ban Phụ nữ Philippines. Nước này còn thành lập rất nhiều đội đặc nhiệm phòng chống buôn bán người như đội đặc nhiệm ở sân bay, bến tàu… Khi giải quyết các vụ buôn bán người, Philippines đảm bảo tính bảo mật trong suốt quá trình điều tra, xét xử; cho phép nạn nhân bị buôn bán và người làm chứng tham gia các Chương trình bảo vệ người làm chứng và Chương trình bồi thường nạn nhân. Đối với hoạt động buôn bán người trá hình dưới hình thức kết hôn, Philippines ban hành Luật chống đặt hàng cô dâu qua thư, trong đó quy định cấm môi giới phụ nữ Philippines kết hôn với người nước ngoài qua thư đặt hàng hay giới thiệu cá nhân; lôi kéo phụ nữ Philippines tham gia các câu lạc bộ, các hội môi giới qua thư đặt hàng hay giới thiệu cá nhân có thu phí…

Philippines có đường dây nóng 1343 và có hướng dẫn cụ thể cách gọi khi ở các vùng khác nhau, ứng dụng cả trên mạng internet. Ngoài ra, Philippines có đường dây nóng ở 16 quốc gia trên thế giới hoạt động miễn phí 24/7 và có kết nối với đường dây nóng trong nước 1343. Để người dân biết đến dịch vụ này, Philippines đã tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi tập huấn về phòng chống buôn bán người đi kèm với nhiều chiến dịch khác. Trong công tác hỗ trợ nạn nhân, Philippines đã cung cấp nhà tạm lánh, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí, dịch vụ chăm sóc y tế và tâm lý, dạy nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em bị buôn bán.

Campuchia

Trong bối cảnh tình hình đất nước còn khó khăn, nhiều người dân Campuchia đã di cư sang các nước để làm ăn và nhiều người trong số đó bị buôn bán, bóc lột. Chính phủ Campuchia đã ban hành nhiều chính sách, khung và cơ chế pháp lý cần thiết để giải quyết vấn nạn buôn bán người trong đó có Luật phòng chống buôn bán người và bóc lột tình dục năm 2008. Campuchia lấy ngày 12/12 là ngày phòng chống buôn bán người quốc gia để nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong nỗ lực phòng chống buôn bán người. Chính phủ hoàng gia Campuchia cũng đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống buôn bán người và bóc lột tình dục, ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phòng chống buôn bán người với 6 nước tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam (ký kết 10/2005 và sửa đổi vào tháng 9/2012). Đồng thời, Chính phủ Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc và tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân.

Campuchia và Việt Nam có chung đường biên giới trải dài và cùng mối lo ngại về nạn buôn bán người. Dựa trên thỏa thuận chung của hai quốc gia, Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển và Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm phối hợp nâng cao nhận thức về vấn đề này cho phụ nữ dọc biên giới hai nước.

Singapore

Đội đặc nhiệm liên ngành về phòng chống buôn bán người đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống buôn bán người giai đoạn 2012-2015 dựa trên chiến lược 4 P: phòng ngừa (prevention), truy tố (prosecution), bảo vệ (protection) và hợp tác (partnership). Kế hoạch quốc gia đưa ra 31 sáng kiến từ việc rà soát lại quy định pháp luật về phòng chống buôn bán người, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, giáo dục cộng đồng, các chiến dịch truyền thông, đến đào tạo cho cán bộ giải quyết các trường hợp buôn bán người và thành lập các đội đặc nhiệm phòng chống buôn bán người vì mục đích bóc lột lao động và tình dục. Singapore cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí và dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân.

Thái Lan

Vấn đề phòng chống buôn bán người được tiếp cận ở góc độ nâng cao quyền của phụ nữ. Nước này đã xây dựng Kế hoạch quốc gia về phát triển phụ nữ, thành lập Trung tâm một cửa giải quyết khủng hoảng nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên ngành cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực và buôn bán người. Ngoài ra, Thái Lan xây dựng đường dây nóng, nhà tạm lánh nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị khủng hoảng, ban hành các kế hoạch can thiệp về phát triển giáo dục, tăng cường cơ hội kinh tế và kiến tạo môi trường thân thiện với phụ nữ.

(Trích Kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới - Ban Quốc tế TƯ Hội LHPNVN)