|
|
Công ty CP Cung ứng nhân lực Quốc tế Genki vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh do công an cung cấp) |
Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM ban hành văn bản gửi phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện, TP Thủ Đức và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Sập bẫy
Đầu tháng 10 vừa qua, anh Đỗ Văn Phúc và bạn gái là chị Nguyễn Tường Vy (cùng 26 tuổi, quê Tây Ninh) được một công ty chào mời đi du lịch Hàn Quốc rồi ở lại làm việc với mức phí 6.000 USD/người.
Anh Phúc cho biết cả hai tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm ổn định nên muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). "Tôi thấy đi Hàn Quốc là phù hợp nhất nhưng rất khó vì tỉ lệ chọi cao. Chúng tôi cũng đăng ký học tiếng và dự tuyển nhưng không đậu nên muốn tìm cách khác để đi" - anh Phúc nói.
Khi chị Vy lướt TikTok thì thấy có người chia sẻ đã đi Hàn Quốc thành công nhờ "lách" theo đường du lịch. Tuy không hợp pháp nhưng trong video, người chia sẻ cho biết vẫn được làm việc bình thường, mức chi phí bỏ ra cũng rẻ mà lương thì khá cao. "Tôi bàn với anh Phúc rồi quyết định gọi điện tìm hiểu con đường này. Họ báo tổng mức phí là 12.000 USD cho 2 người và cuối tháng 11 sẽ bay" - chị Vy nói thêm.
Sau khi đóng đủ chi phí và nộp hộ chiếu, giấy tờ liên quan, cả hai bất ngờ nhận được thông tin công ty này đã khóa hết mọi liên lạc. Nhiều người cũng lên mạng xã hội tố cáo doanh nghiệp (DN) này lừa đảo. Hiện có hơn 30 người bị lừa như chị Vy, anh Phúc và đang gửi đơn trình báo các cơ quan chức năng.
Còn ông Tô Thiện (54 tuổi, quê Lâm Đồng) bị một công ty tư vấn du học lừa hơn 300 triệu đồng. Con trai ông Thiện vừa tốt nghiệp THPT có nguyện vọng sang Úc học nghề để định cư. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, ông Thiện liên hệ với một công ty tại TP HCM để làm thủ tục cho con trai đi Úc.
"Họ báo với tôi là cháu không cần kiểm tra trình độ tiếng Anh, chỉ cần rút học bạ rồi dịch qua tiếng Anh gửi xuống là xong. Chi phí trọn gói 300 triệu đồng, đóng 1 lần. Số tiền này đã bao gồm học phí cho 2 năm học tại Úc" - ông Thiện nói.
Để chắc ăn, ông Thiện nhờ một người cháu họ đến công ty gặp người tư vấn. Nhân viên tư vấn viện lý do văn phòng đang sửa chữa nên tiếp ở sảnh. Rồi khuyên người nhà yên tâm, vì Úc rất minh bạch, khi nộp hồ sơ hợp lệ sẽ được Bộ Di trú Úc xác nhận thông qua thư điện tử.
Một tuần sau khi nộp hồ sơ, ông Thiện nhận được email bằng tiếng Anh thể hiện con trai ông đã được chấp thuận cấp visa du học nghề tại Úc. Liền sau đó, DN này liên tục kêu ông Thiện đóng tiền để hoàn tất các thủ tục cuối cùng. Nhận đủ tiền, người tư vấn đã chặn mọi liên lạc.
Cẩn trọng
Nhiều nguồn tin cho biết đây là hình thức lừa đảo không mới nhưng được tổ chức khá bài bản của một nhóm đối tượng có liên quan đến người nước ngoài có "kinh nghiệm điều hành" các hình thức lừa đảo "việc nhẹ lương cao" nở rộ vài năm gần đây.
Các đối tượng này nghiên cứu rất kỹ những chương trình XKLĐ, điểm khó của các chương trình này rồi đưa ra những hướng đi phù hợp để chiêu dụ NLĐ. Dù có thể không hoạt động trong nước nhưng họ bỏ tiền chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và dùng chính tên tuổi của những đơn vị XKLĐ uy tín để lừa đảo. Khi nhận được tiền (thường chuyển khoản vào tài khoản cá nhân), nhóm lừa đảo lập tức xóa dấu vết khiến NLĐ trở tay không kịp.
Trước tình hình phức tạp như trên, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề nghị các đơn vị liên quan phổ biến đến NLĐ trên địa bàn đang có nhu cầu tìm việc làm nêu cao tinh thần cảnh giác với các hành vi lừa đảo, môi giới việc làm của các cá nhân, tổ chức không có giấy phép thực hiện dịch vụ việc làm, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn không có trong danh sách được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động và báo cáo về sở để tìm hướng giải quyết.
"Đề nghị các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố khuyến cáo đến học sinh, sinh viên cảnh giác trước những lời mời chào việc nhẹ lương cao, nhất là các công việc ở nước ngoài thông qua hình thức du học, du lịch, đầu tư hoặc công việc trực tuyến" - văn bản Sở LĐ-TB-XH nhấn mạnh.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM, khuyên NLĐ hãy cân nhắc thật kỹ trước khi chuyển tiền. Nếu đi XKLĐ thì phải tìm đến các công ty được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép và đóng tiền cho tài khoản DN đó. Nếu đi du học hay các hình thức khác thì phải tìm hiểu xem công ty đó hoạt động như thế nào, có trụ sở văn phòng và đội ngũ tư vấn có được cấp phép tư vấn hay không.
"Tất cả phải có hợp đồng dịch vụ, có ký đóng dấu để thể hiện đó là DN được cấp phép. Tuyệt đối không chuyển khoản vào tài khoản cá nhân và không chuyển hết một lần, chuyển từng đợt theo tiến độ thực hiện hồ sơ" - luật sư Bình khuyến cáo.
Đưa thông tin gây hiểu nhầm
Theo văn bản của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, hiện nhu cầu tìm việc của NLĐ ngày một tăng cao, nhất là lao động trẻ, sinh viên mới ra trường mong tìm được việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống. Lợi dụng nhu cầu đó, các nhóm đối tượng đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, việc nhẹ lương cao để thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt, các đối tượng trên sử dụng các nền tảng mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển dụng gây hiểu nhầm là có thể ra nước ngoài làm việc thông qua các hình thức như đi du lịch, đầu tư hoặc du học...
|
Theo nld