Không có chức năng tuyển dụng lao động, không đăng ký đơn hàng nhưng một số công ty vẫn đăng tin quảng cáo, tuyển dụng lao động rầm rộ. Trước những quảng cáo “ngọt ngào” này người lao động dễ sập bẫy...

Trụ sở chung của Trung tâm đào tạo Đài Loan của Công ty CP Tracodi Sông Đà và Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC.

“Xuất khẩu” dưới hình thức đi du lịch

Chạy theo lợi nhuận kinh tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) bất chấp quy định, dùng mọi thủ đoạn để tư vấn, lôi kéo, “xuất chui” lao động đi làm việc tại những nước không được phép. Khi người lao động “cắn câu”, họ sẽ được những doanh nghiệp này “xuất khẩu chui” dưới hình thức đi du lịch 3 tháng. Sau 3 tháng, lao động nào may mắn sẽ kiếm được việc làm, còn nếu không họ sẽ phải trở về nước. Chủ nước ngoài sử dụng họ như những lao động thời vụ và không ký kết hợp đồng. Không được pháp luật nước ngoài bảo hộ nên khi rủi ro xảy ra, những lao động này sẽ phải "gánh" hết phần thiệt thòi.

Được coi là một trong những "điểm đến" rất “hót” bởi mức lương “khủng” và điều kiện làm việc, đãi ngộ tốt nhưng Singapore cũng là một trong những thị trường “khó tính”, “kén” lao động. Để sang được Singapore, đòi hỏi lao động phải có kỹ năng cao và không phải doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam nào cũng “len chân” được. Không đưa lao động đi được bằng con đường chính, một số doanh nghiệp XKLĐ đã tìm cách lách luật “xuất chui” lao động. Những doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc “chui” tại Singapore chỉ việc trích một khoản nhỏ trong khoản phí 5.000 - 6.000 USD đã thu từ người lao động để lo visa du lịch 3 tháng cho họ.

Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “xuất khẩu lao động Singapore”, trong vòng 0,40 giây đã cho ra khoảng 1.360.000 kết quả các website của các công ty XKLĐ quảng cáo tuyển công nhân đi làm việc tại Singapore. Một trong những website quảng cáo rầm rộ là Htcgroup.vn. Website này giành phần lớn nội dung giới thiệu về Công ty CP Tracodi Sông Đà (số 4, liền kề 14, Tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội). Website này quảng cáo, khuếch trương mức độ hoành tráng về công việc ở Singapore với những điều kiện làm việc lý tưởng, lương cao như: XKLĐ sang Singapore chi phí môi giới thấp, phí đi dao động từ 5.000 - 6.000 USD, thu nhập từ 20- 40 triệu đồng/tháng. Lao động chỉ cần làm việc ở Singapore khoảng nửa năm là có thể hoàn lại số vốn bỏ ra.

Website này không ngừng tung ra các đơn hàng hấp dẫn như: Tuyển trợ lý kho kiêm công nhân tổng hợp XKLĐ Singapore, lao động rửa bát kiêm tạp vụ Singapore, tuyển hộ lý, điều dưỡng viên Singapore… Theo đó, mức lương được quảng cáo khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng. Website này còn quảng cáo lao động đi qua công ty sẽ được xuất cảnh sớm, thời gian từ 1- 2 tuần... Ở mỗi đơn hàng, website này ghi địa chỉ để lao động liên lạc là Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC (liền kề 5, số nhà 34 Khu đô thị Văn Khê). Theo nhân viên tư vấn website cho biết, Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC là công ty con của Công ty CP Tracodi Sông Đà nên các lao động mà Công ty này tuyển dụng đều được xuất qua Công ty CP Tracodi Sông Đà.

Hai công ty, nhưng thực chất... là một?

Bà Hoàng Thị Hằng đang tư vấn cho người lao động.

Để kiểm chứng thông tin giới thiệu trên website và mối liên quan giữa Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC và Công ty CP Tracodi Sông Đà, trong vai người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Singapore, chúng tôi đã tìm đến trụ sở Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC. Theo quan sát của chúng tôi, hiện trụ sở này được treo biển của 2 công ty; Một bên là Công ty CP Tracodi Sông Đà, Trung tâm đào tạo Đài Loan, còn một bên là biển hiệu của Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC, Trung tâm hợp tác HTC. Phía bên trong nhà là tấm áp phích được treo chung tên của 2 công ty này.

Tại đây, chúng tôi được ông Chiến, nhân viên của Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC giới thiệu gặp bà Thủy. Bà Thủy cho biết, Công ty đã đưa được rất nhiều lao động sang Singapore làm dịch vụ, hiện có rất nhiều ngành nghề cho lao động lựa chọn. “Các đoàn lao động bay sang Singapore, bên chị đưa đi liên tục, đơn hàng đi Singapore cũng rất nhiều, phí đơn hàng đi Singapore dao động khoảng 4.000 – 6.000 USD tùy từng đơn hàng. Em học xong tiếng thì sẽ thi tuyển đơn hàng…”, bà Thủy cho biết.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao trên website: Htcgroup.vn của Công ty lại ghi 2 địa chỉ là Công ty CP Tracodi Sông Đà và địa chỉ liên hệ đơn hàng lại là Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC, bà Thủy cho biết, trên danh nghĩa là 2 công ty khác nhau nhưng thực chất là một. Trong đó, Công ty CP Tracodi Sông Đà là công ty "mẹ" và Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC là công ty "con", mọi hoạt động xuất lao động đi làm việc tại nước ngoài đều dưới danh nghĩa của Công ty CP Tracodi Sông Đà. “Thực ra, hai công ty là một. Tracodi là công ty mẹ, nhân lực HTC là công ty con. Hoạt động XKLĐ phải qua công ty mẹ có giấy phép mới đi được”, bà Thủy nói.

Tại sao website của một đơn vị lại có đến 2 địa chỉ của 2 công ty khác nhau? Lần theo địa chỉ ghi trên giấy phép XKLĐ, chúng tôi đã tìm đến trụ sở Công ty CP Tracodi Sông Đà (số 14 – liền kề 4, Tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội).

Ở đây, chúng tôi được bà Hoàng Thị Hằng, Phó phòng tuyển dụng của Công ty khẳng định Công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc tại Singapore như đã giới đang thiệu trên website: Htcgroup.vn. Theo đó, website này là của Công ty CP Tracodi Sông Đà. Bà Hằng cho biết, Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC và Công ty CP Tradico Sông Đà về mặt pháp lý là 2 công ty khác nhau nhưng thực chất lại là 1 công ty và cán bộ của Công ty CP nhân lực quốc tế HTC đều là cán bộ của Công ty CP Tracodi Sông Đà. Những cán bộ này được phân ra để phụ trách các mảng khác nhau, tránh chồng chéo và bản chất lãnh đạo 2 công ty này là anh em họ hàng như công ty gia đình.

Bà Hằng cho biết, địa chỉ số 5 liền kề 34 (Khu đô thị Văn Khê) là của Trung tâm đào tạo Đài Loan, đồng thời cũng là địa chỉ mà Công ty CP Nhân lực quốc tế HTC đặt làm trụ sở để tư vấn cho lao động. Để chúng tôi an tâm, bà Hằng cho biết cán bộ quản lý website: tsd.vn ghi trong giấy phép XKLĐ mà Bộ LĐTB&XH cấp đang đi công tác ở Nhật Bản, chờ họp báo xong sẽ công bố website này, trong thời gian này Công ty dùng website: Htcgroup.vn để thay thế.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, hiện có tình trạng bán giấy phép XKLĐ, một số công ty sau khi xin được giấy phép XKLĐ thì “bán” giấy phép con cho một vài công ty khác. Các công ty “con” hoạt động dưới sự bảo lãnh của công ty “mẹ”, mỗi tháng công ty “con” này sẽ nộp phí về cho công ty “mẹ”. Sau khi đẻ ra các công ty “con”, nhiều doanh nghiệp không kiểm soát được tình hình dẫn đến tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền của lao động xảy ra tràn lan ở công ty “con”. Nhiều doanh nghiệp đã bị Bộ LĐTB&XH xử phạt hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận kiếm được từ việc bán giấy phép XKLĐ quá lớn khiến tình trạng này ngày càng nở rộ.

Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, Công ty CP nhân lực quốc tế HTC chưa được Bộ LĐTBXH cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong trường hợp doanh nghiệp này vẫn tổ chức thi tuyển lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 34, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Điểm a, Khoản 3, Điều 34 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định: Vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước: (3) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.

Theo giadinh.net.vn