Sau 3 năm thực hiện Bộ quy tắc CoC-VN cho thấy, chi phí cho NLĐ di cư đã giảm, DN chuẩn bị tốt hơn về kiến thức và kỹ năng cho NLĐ trước khi xuất cảnh…

Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn hầu hết là di cư có tổ chức và 85% đến 95% trong số đó thông qua hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp. Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS)  đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ quy tắc CoC-VN được coi là công cụ, quy định về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đạo đức nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đồng thời giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động di cư.

Được biết, việc giám sát, đánh giá xếp loại doanh nghiệp thực hiện Bộ quy tắc CoC-VN đã được thử nghiệm ở 20 doanh nghiệp năm đầu 2012 - 2013, mở rộng ra 47 doanh nghiệp ở năm thứ 2 (2014) và tính đến năm 2015 có 66 doanh nghiệp tham gia. TS. Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, sau mỗi năm thực hiện, VAMAS và ILO đều tổ chức hội nghị đánh giá cao kết quả công bố xếp hạng doanh nghiệp. Việc xếp hạng này nhằm cải thiện việc thực hiện Bộ quy tắc và trách nhiệm của các đơn vị tuyển dụng. Sau 3 năm thực hiện Bộ quy tắc CoC-VN, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động theo hướng chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. Thực tiễn cho thấy, chi phí cho NLĐ di cư đã giảm, chuẩn bị tốt hơn về kiến thức và kỹ năng cho NLĐ trước khi xuất cảnh, quản lí lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước đã tốt hơn - ông Trào cho biết.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Doãn Mậu Diệp đánh giá cao hoạt động của VAMAS trong những năm qua và cho rằng, việc VAMAS cho ra đời Bộ quy tắc CoC-VN có ý nghĩa rất quan trọng góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động cũng như sau 3 năm triển khai  Bộ quy tắc và được đánh giá có chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ thực hiện tốt các quy tắc của Bộ quy tắc ứng xử, nhiều công ty đã được đối tác tin tưởng đầu tư thiết bị giảng dạy và đào tạo, giúp lao động vững tay nghề khi ra nước ngoài làm việc, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra. Nhiều doanh nghiệp không chỉ trang bị tốt kiến thức, kỹ năng cho lao động trước khi xuất cảnh mà còn giảm chi phí cho lao động và quản lý tốt lao động ở nước ngoài cũng như có hỗ trợ lao động khi về nước. Quá trình tham gia đưa lao động đi làm việc, doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ tốt các nội quy, quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn các doanh nghiệp XKLĐ cần tham gia đánh giá, giám sát theo Bộ quy tắc CoC-VN. Để hỗ trợ NLĐ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo, quản lí đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiệp hội VAMAS và các tổ chức liên quan nên có chương trình phối hợp cụ thể để hoạt động mang tính đồng bộ.

Theo baobaovephapluat.vn