Giúp việc gia đình đang là mảnh đất có nhiều hứa hẹn đối với nhiều lao động Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sự bảo vệ pháp lý đối với lao động làm việc trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.

Cơ hội lớn

Đánh giá về cơ hội việc làm của lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình tại nước ngoài, ILO dự báo: Trong những năm tới, số lượng lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình sẽ ngày càng tăng. Những yếu tố tác động tới sự gia tăng về số lượng lao động giúp việc gia đình tại các đô thị lớn ở Việt Nam là do sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự hạn chế các dịch vụ chăm sóc y tế người già.Lao động làm giúp việc gia đình có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài như tại Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc), Đài Loan và Cộng hoà Síp.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2014, phụ nữ chiếm gần 38% số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, nữ giúp việc gia đình ở nước ngoài rất dễ bị bóc lột và lạm dụng. “Việc đảm bảo quyền lợi tối thiểu và hoạt động tuyển dụng minh bạch, có trách nhiệm cần được ưu tiên. Các yếu tố này có vai trò rất quan trọng vì lao động giúp việc gia đình dễ bị lạm dụng hơn so với lao động làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác”, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận định.

Lao động học kỹ năng về giúp việc gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tống Hải Nam,Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, những yếu tố khiến lao động giúp việc gia đình có đặc thù dễ bị tổn thương bao gồm bản chất của công việc gắn liền với yếu tố giới, môi trường làm việc trong gia đình có thể làm tăng tính phụ thuộc và dễ bị lạm dụng. Người lao động bị hạn chế trong tiếp cận những dịch vụ hỗ trợ cũng như tổ chức công đoàn có thể bảo vệ và hỗ trợ những nhu cầu của họ.

Bên cạnh đó, lao động giúp việc gia đình ở nước ngoài thường không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động của quốc gia nơi họ tới làm việc, hoặc ít được bảo vệ hơn so với các loại hình lao động khác tại các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận như: Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Ả rập Xê út.

Tăng cường bảo vệ pháp lý, quyền lợi

Hiện nay, có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, nhưng sự bảo vệ về pháp lý đối với lao động làm việc trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Theo luật pháp của Ả rập Xê út, người lao động được nghỉ tối thiểu 9 tiếng/ngày sau thời gian làm việc, nhưng bất cứ lúc nào chủ sử dụng yêu cầu, họ đều phải làm việc trở lại.

Được biết, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đàm phán về hợp đồng mẫu với Ả rập Xê út để chi tiết hóa những điều kiện cơ bản về việc làm đối với lao động giúp việc gia đình. Hợp đồng mẫu này sẽ quy định những quyền lợi tối thiểu để bảo đảm lao động làm việc trong lĩnh vực này được bảo vệ một cách đầy đủ. “Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số quyền lợi tối thiểu nhất định của lao động giúp việc gia đình như được giao kết trong hợp đồng lao động. Do vậy, Việt Nam cần phát huy kinh nghiệm của mình trong các cuộc đàm phán, trên cơ sở đã có những bước đi cụ thể nhằm cải thiện quyền lợi của lao động làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình” - ông Gyorgy Sziraczki chia sẻ.

Theo thống kê,5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, lao động nữ chiếm số lượng không nhỏ. Họ chủ yếu làm trong các ngành nghề giúp việc gia đình như: Y tá, điều dưỡng; nhân viên khách sạn; thợ may; thợ dệt; lắp ráp thiết bị điện tử.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết: “Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh việc tổ chức và quản lý hiệu quả hơn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài,Cục sẽ ưu tiên các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam trong lĩnh vực giúp việc gia đình...”

Theo baodansinh.vn