Lao động ‘chui’ tại Hàn Quốc sẽ không được hưởng các chế độ như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm rủi ro. Ảnh: ST

Tiếng xấu cho lao động Việt

Ngày 15-1, giới chức Hàn Quốc thông báo, 59 du khách Việt trong đoàn du lịch từ Việt Nam gồm 155 người, đáp chuyến bay tới đảo Jeju rạng sáng ngày 12-1 đã biến mất và được cho là đã bỏ trốn sau đó một ngày. Đến nay, 27 người đã được tìm thấy. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Jeju đã yêu cầu họ phải về nước theo lịch trình ban đầu.

Theo anh Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Thảo, Hàn Quốc là nơi nhiều khách du lịch Việt Nam bỏ trốn nhất. Tại nước này, lượng lao động Việt Nam ở lại đông, lên tới cả trăm ngàn người, chưa kể những cô dâu Việt lấy chồng Hàn hoặc bản thân lao động đi xuất khẩu trước đó đã trốn ra ngoài làm, nay lại muốn sang. Cộng đồng lao động bất hợp pháp Việt Nam ở bên đó khá đông cũng là mắt xích kéo theo dịch vụ du lịch bất hợp pháp. Khi các kênh xuất khẩu lao động chính thức bị khóa thì chỉ còn kênh du lịch.

Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc du khách Việt Nam bỏ trốn tại nước ngoài theo con đường du lịch, trước nhất là các công ty lữ hành bị khiển trách và xử lý vì đưa người đi mà mất tích theo hệ thống, dây chuyền. Cần làm rõ các đối tượng đi du lịch Hàn Quốc rồi bỏ trốn là theo đường dây có tổ chức hay tự tổ chức để xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm mới có thể xác định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức cá nhân.

Nói về ảnh hưởng đến chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong việc phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, ông Tống Hải Nam cho biết: “Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ các cơ quan chức năng. Việc này không phải là do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động Hàn Quốc quản lý nên trách nhiệm không thuộc về phía chúng tôi. Tuy nhiên, việc 59 du khách Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc lần này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sau nhiều nỗ lực giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc”.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, việc khách du lịch Việt Nam trốn qua con đường du lịch là không hiếm. Trong đó, đứng đầu là thị trường Hàn Quốc, rồi đến Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, châu Âu... Trường hợp gần đây nhất là đầu tháng 12-2013, cả đoàn khách 15 người Việt Nam đã “mất tích” ở Israel. Trước tình trạng đó, Singapore áp dụng biện pháp câu lưu, việc kiểm tra du khách Việt tại sân bay thời gian vừa qua xuất phát từ lý do này. Từ cuối năm 2015, Malaysia cũng áp dụng biện pháp buộc giới chủ đón lao động Việt Nam tại sân bay; trong thời gian 24 giờ, nếu không có người đến nhận, người lao động sẽ bị trả về nước.

Nhiều rủi ro

Thị trường Hàn Quốc luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng với mức thu nhập khá. Cùng với đó cộng đồng người Việt Nam tại đất nước này khá đông đảo nên đây là điểm đến hấp dẫn với nhiều lao động Việt Nam ở cả kênh lao động chính thức và kênh “lao động chui”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quyền lợi lao động chính thức và lao động “chui” khác nhau khá rõ rệt. Nếu lao động hợp đồng thì được đóng bảo hiểm, được hưởng các chế độ nghỉ lễ, nghỉ phép đầy đủ thì với lao động “chui” khi đi ra ngoài đều phải “nhìn trước ngó sau”, sơ sẩy là bị Công an bắt. Chủ lao động ngoài trả lương thì không cho lao động “chui” một quyền ưu tiên nào khác....

Ông Tống Hải Nam cũng thông tin thêm, cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc thường xuyên tổ chức truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Hàn Quốc còn có chính sách xử phạt người lao động bất hợp pháp. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (hơn 730 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt.

Ngày 19-1, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng phát đi khuyến cáo về những rủi ro người lao động có thể gặp phải khi làm việc trái phép tại Hàn Quốc như: Không được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi, không trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định, điều kiện ăn ở và làm việc không đảm bảo, không được hưởng trợ cấp thôi việc, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm rủi ro...

Mặt khác, người lao động đã vi phạm quy định của Luật Kiểm soát nhập cư (như lao động có thời gian cư trú bất hợp pháp) thì sẽ phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay trước khi bị trục xuất về nước để lưu vào hồ sơ của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị từ chối cấp visa và bị từ chối nhập cảnh. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền, phạt tù. Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, những đối tượng đi ra nước ngoài làm việc theo hình thức du lịch khi bị bắt sẽ bị trục xuất ngay và không có cơ hội quay lại Hàn Quốc trong thời hạn 5 năm.

Theo baohaiquan.vn