Vừa qua, báo điện tử Người Đưa Tin nhận được đơn kêu cứu của gia đình chị Nguyễn Thị Yên, và gia đình anh Nguyễn Văn Tuân, xóm Quyên Chương, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về việc người nhà của mình đang sống dở chết dở bên Ả rập Xê út khi đi xuất khẩu lao động.
Theo chị Yên trình bày, trong nội dung hợp đồng có quy định rõ: Mức lương chủ lao động trả tối thiểu là 150 RS/ tháng (400 USD, 9.500.000vnd) Nếu làm cả ngày chủ nhật nữa thì được trả thêm.
Hợp đồng lao động có nhiều điều khoản người sử dụng LĐ vi phạm nhưng người lao động và gia đình họ không biết kêu ai.
Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp
Thời gian người lao động (NLĐ) được nghỉ liên tục 8 tiếng /ngày, tối đa 12 ngày/ năm. Nếu bị ốm, sốt, nhức đầu… không thể thực hiện công việc của mình thì được nghỉ toàn thời gian và được cung cấp các chỉ dẫn y tế. Về việc ăn ở, người lao động sẽ được người chủ sử dụng lao động cung cấp miễn phí 3 bữa ăn/ ngày và chỗ ở...
Chị Nguyễn Thị Vân đi làm việc được hơn 7 tháng nhưng ngay từ tháng thứ 2 sang chị Vân đã bị bà chủ đánh đập. Theo thông tin từ gia đình, anh Tuân kể lại: “Sau khi sang bên đó làm việc được một thời gian ngắn, vợ tôi bị bà chủ nhà đánh đập thường xuyên. Hầu như ngày nào vợ tôi cũng bị bà ta đấm 1, 2 lần. Gần đây, vợ tôi bị bà ta bỏ đói 3 ngày liền và bị đánh rất đau".
Theo anh Tuân, vợ mình kể lại rằng, chị phải làm việc quần quật từ 7giờ 30 sáng cho đến 23 giờ đêm, có hôm làm đến 2,3 giờ sáng. Đến bữa ăn cơm chị cũng không được ngồi ăn tử tế mà phải vừa làm vừa ăn rất vất vả…
Cũng giống như chị Vân, chị Nguyễn Thị Dịu xóm Quyên Chương, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa giúp việc, vừa trông trẻ cho một gia đình 5 người. Hàng ngày chị làm việc từ sáng đến 22-23 giờ đêm.
Sau đó chị lại phải trông một đứa trẻ 4 tháng tuổi, con bà chủ. Hầu như mỗi ngày chị chỉ được ngủ 3,4 tiếng.
Khi chị bị ốm, sốt, vẫn phải làm việc. Do vậy, bệnh của chị không khỏi được mà ngày một tệ hơn. Từ sốt kéo sang ho và phổi, cơn đau kéo dài suốt hơn 1 tháng nay, nhiều lúc chị không thở được và gần đây chị thấy sức khỏe của mình có nguy cơ tệ hơn.
Sau rất nhiều nỗ lực, người thân của gia đình chị Yên và gia đình chị Vân tìm đến công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam, bà Trần Thị Nữ, trưởng phòng Macau- Đài Loan để giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, bà Nữ chỉ khất lần, khất lượt mà không giải quyết.
Bị công ty thờ ơ, giữa nơi đất khách quê người, những con người lao động khốn khổ sẽ phải kêu ai hay cố nín chịu đựng suốt 2 năm để hết hợp đồng?
Theo nguoiduatin.vn