Ảnh minh họa
1. Đăng ký lao động Việt Nam Tiến hành đăng ký lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày Nội các ra Nghị quyết về hướng quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam (gọi tắt là “Nghị quyết”) nhưng thời hạn ở Thái Lan đã hết, cho phép họ tiếp tục tạm trú tại Thái Lan, đối tượng áp dụng là lao động trong các nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong ngành xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng. Những lao động này cần đến trình diện, đăng ký và xin giấy phép lao động tại các Trung tâm đăng ký lao động nước ngoài một cửa (OSS).
Trách nhiệm của các cơ quan liên quan của Thái Lan:
1.1. Bộ Nội vụ:
(i) Mở rộng đối tượng cấp giấy phép lao động tạm thời của các OSS cho lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam. Bộ Nội vụ là cơ quan phụ trách chính, phối hợp với Bộ Lao động, Bộ Y tế, Cảnh sát Hoàng gia và các cơ quan liên quan khác. Tiến hành tại Bangkok và một số khu vực khác, gồm: miền Bắc tại tỉnh Chiang Mai, miền Đông tại tỉnh Rayong, miền Đông Bắc tại tỉnh Nakhon Phanom, miền Nam tại tỉnh Song Khla và các tỉnh khác mà Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Y tế và Cảnh sát Hoàng gia thấy cần thiết. Các chủ lao động cần đưa lao động Việt Nam mà mình thuê đến trình diện, đăng ký lý lịch và nộp đơn xin phép lao động tại các OSS.
(ii) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, với sự chấp thuận của Nội các và phù hợp với Điều 17 Luật Quản lý Xuất nhập cảnh năm 1979, Bộ Nội vụ ra Thông tư hướng dẫn thủ tục linh hoạt cho những người mang hộ chiếu Việt Nam nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày 10/02/2015 và đã lưu trú quá hạn, được tiếp tục lưu trú cho đến ngày 28/02/2016 để chờ trục xuất về nước mà không phải thực thi theo Điều 12 (3), Điều 54 và Điều 81, Luật Quản lý Xuất nhập cảnh năm 1979. Quy định này chỉ áp dụng cho những lao động giúp việc tại gia, lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng, đánh bắt cá và phục vụ nhà hàng.
(iii) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thực hiện đăng ký, Bộ Nội vụ nhận trình diện và lưu hồ sơ, lý lịch của lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước khi Nội các thông qua Nghị quyết nhưng đã hết hạn tạm trú tại Thái Lan, áp dụng cho lao động trong các nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng, đồng thời chuyển thông tin cho Bộ Lao động để cấp giấy phép lao động.
1.2. Bộ Lao động:
(i) Nhận đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động của chủ lao động Thái Lan, những người cần dẫn lao động Việt Nam cùng đến OSS để xin giấy phép lao động.
(ii) Xem xét cấp giấy phép lao động theo Điều 13 Luật Quản lý Lao động nước ngoài năm 2008 đối với những lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam đến đăng ký làm việc trong những nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng. Giấy phép có thời hạn 01 năm và không cho phép thay đổi chủ lao động; tiến hành thu phí theo quy định.
(iii) Liên hệ để các chủ lao động đưa lao động Việt Nam đến trình diện nhằm lập hồ sơ và đăng ký lao động theo quy định.
1.3. Cảnh sát Hoàng gia:
(i) Kiểm tra tình trạng lao động Việt Nam về các điều kiện: nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày Nội các thông qua Nghị quyết; và thời gian được phép lưu trú tại Thái Lan đã hết.
(ii) Xử lý nghiêm khắc theo đúng thẩm quyền đối với những trường hợp lao động bất hợp pháp sau khi đã hết thời hạn đăng ký, áp dụng đối với chủ lao động, người dẫn mối cũng như người lao động.
1.4. Bộ Y tế:
Kiểm tra sức khỏe và cấp bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam, vào Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước khi Nội các thông qua Nghị quyết, đã tiến hành đăng ký lao động và được lập hồ sơ lý lịch.
2. Ngành nghề được cấp phép cho lao động Việt Nam
Văn phòng Thủ tướng sẽ quy định các ngành nghề cho phép người nước ngoài làm theo Điều 13, Luật Lao động nước ngoài năm 2008, trong đó sẽ xác định hai ngành nghề lao động Việt Nam được làm là lao động chân tay và giúp việc tại gia.
3. Tiếp nhận lao động Việt Nam
Triển khai tiếp nhận lao động Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động. Chính phủ Thái Lan sẽ trao đổi với Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được thỏa thuận về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan trong các lĩnh vực nghề cá và xây dựng.
Như vậy theo Nghị quyết của Nội các Thái Lan, chậm nhất đến ngày 12/3/2015, Bộ Nội vụ nước này ra thông tư hướng dẫn để các Bộ, ngành liên quan của Thái Lan tiến hành việc đăng ký lao động .
Theo vietnamembassy-thailand.org