Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 14/3, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bảo hộ công dân trong các vụ việc nhiều công dân Việt Nam ở Campuchia và Thái Lan bị cơ quan chức năng sở tại bắt giữ do tham gia làm việc trong các cơ sở đánh bạc lừa đảo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

Liên quan đến vụ việc một số công dân Việt Nam bị cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ, theo thông tin của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville, ngày 9/3 vừa qua, hơn 100 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ngày 11/3, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp với các cơ quan chức năng phía Campuchia và trong nước tiến hành các thủ tục lãnh sự, tiếp nhận số công dân này qua Cửa khẩu quốc tế Prek Chak-Hà Tiên.

Liên quan đến vụ việc 18 công dân Việt Nam bị phía Thái Lan bắt giữ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin và xác minh nhân thân của những người này.

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, 18 công dân này bị bắt giữ do hành vi tham gia tổ chức trò chơi/trò lừa đảo giúp quảng cáo/mời gọi trực tiếp hoặc gián tiếp người khác chơi đánh bạc thông qua các phương tiện điện tử mà không được phép của cơ quan chức năng.

Tới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vẫn tiếp tục theo dõi sát vụ việc và đề nghị các cơ quan chức chức năng sở tại bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam.

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra. Do đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc theo kiểu "việc nhẹ, lương cao" hoặc không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp cũng như các tổ chức phái cử lao động.

Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm làm việc và thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng để có quyết định đúng đắn trước khi ra làm việc tại nước ngoài./.

Theo TTXVN/Vietnam+