|
Cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tình trạng người lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Ảnh minh họa |
Theo cơ quan quản lý, vấn đề này luôn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực, để ngăn chặn và giảm tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc của nhiều tổ chức, lực lượng có liên quan.
Gần 47.000 lao động ngoài nước vi phạm hợp đồng
Bộ LĐ-TB&XH mới đây có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về số liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607, trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%.
Những năm qua, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn vì các lý do chủ quan như sức khỏe, tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại. Ngoài ra, do các lý do khách quan, bất khả kháng như tình hình an ninh nước sở tại không đảm bảo, chủ sử dụng phá sản, công trình dự án bị đình trệ, thiếu việc làm.
Một số người lao động chưa chú tâm tìm hiểu thông tin pháp luật của quốc gia sang làm việc, không đọc và hiểu các điều khoản của hợp đồng trước khi ký kết. Người lao động chỉ mong được xuất cảnh nhanh và rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền thông qua trung gian môi giới để được đi làm việc ở nước ngoài. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, những lao động này có ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của nơi làm việc, thiếu tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại.
Tình trạng người lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp ở mức độ khác nhau vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Đáng chú ý, lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc, với tỷ lệ không tuân thủ thời hạn hợp đồng cao. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để có thể ở lại làm việc lâu hơn và có thu nhập cao hơn.
|
Ảnh minh họa ITN.
|
Nhiều hệ lụy
Thực tế, việc lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc tại nước ngoài đã diễn ra trong nhiều năm. Tình trạng này đã đưa đến nhiều hệ lụy đối với hoạt động xuất khẩu lao động.
Lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam với các thị trường tiếp nhận, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người muốn sang làm việc tại các thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường trọng điểm, “tiềm năng” như Hàn Quốc.
Một mặt, tình trạng này là nguyên nhân làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến hình ảnh của người lao động Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, tác động tiêu cực đến các hoạt động xúc tiến xuất khẩu lao động. Mặt khác, do các thị trường đều áp dụng chế tài đối với những nước có nhiều lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp nên người dân tại các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cũng sẽ mất cơ hội tiếp cận những thị trường có thu nhập cao.
Đặc biệt, phần lớn người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài đều có trình độ nhận thức, tác phong làm việc chưa bảo đảm. Họ chưa nhận thức đầy đủ những nguy hiểm, tác hại của việc tự ý bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, khi người lao động bỏ hợp đồng lao động tự ý ra ngoài làm việc thì không còn quan hệ hợp đồng. Do đó, họ sẽ không được bảo vệ quyền, lợi ích theo hợp đồng lao động và pháp luật của nước sở tại.
Lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro cao như bệnh tật, tai nạn lao động, không được bảo hộ quyền công dân, thiếu việc làm, bị ngược đãi, bị chủ sở hữu lao động nợ lương… Cùng với đó là những cuộc truy quét gắt gao của nhà chức trách nước sở tại sẽ làm cho số lao động này luôn sống trong bất an. Khi bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại làm việc.
|
Ảnh minh họa ITN.
|
Giải pháp nào ngăn ngừa?
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng, để hạn chế lao động bỏ trốn, đặc biệt với thị trường có tỷ lệ bỏ trốn cao như Hàn Quốc, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều quy định như: Ký quỹ 100 triệu đồng, lao động bỏ trốn hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80 - 100 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2 - 5 năm.
Cùng với đó, theo ông Liêm, đơn vị cũng áp dụng một số quy định như nếu doanh nghiệp đưa lao động đi mà xảy ra tình trạng bỏ trốn với tỷ lệ cao thì sẽ bị dừng tuyển và không được tiếp tục đưa người sang thị trường này nữa. Những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nếu không giảm thì thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng đề xuất dừng tuyển. Đề xuất hạn chế tuyển lao động ở các địa phương này là để tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý, giám sát và tuyên truyền cho người lao động thực hiện đúng quy định.
Chính vì tỷ lệ bỏ trốn ra ngoài vẫn ở mức cao nên tháng 3 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phải thông báo dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS năm 2023 ở 8 địa phương.
Để giảm thiểu tình trạng nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác phổ biến pháp luật của Việt Nam và quốc gia tiếp nhận lao động. Đồng thời, tuyển chọn trực tiếp, rà soát kỹ bảo đảm tuyển chọn lao động có tay nghề, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của đối tác.
Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng công tác giáo dục định hướng, rèn luyện ý thức kỷ luật cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Cùng đó, chỉ đạo các Ban Quản lý lao động tại các quốc gia tiếp nhận tăng cường công tác hỗ trợ, quản lý người lao động. Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước thông qua các phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm trực tiếp…
Theo GD&TĐ