Khách sạn phục vụ World Cup vi phạm nhân quyền
Cập nhật lúc 22:52, Thứ sáu, 29/07/2022 (GMT+7)
Nhóm điều tra nhân quyền cho biết các khách sạn sang trọng phục vụ World Cup 2022 đang trả lương rất thấp và cung cấp những điều kiện ăn ở tồi tệ cho người lao động.
|
|
Chỗ ở chật chội của các nhân viên khách sạn. Ảnh: PA. |
Daily Mail đưa tin các khách sạn sang trọng phục vụ cho World Cup ở Qatar đã trả lương cho nhân viên khoảng 1 bảng Anh mỗi giờ và không trả tiền làm thêm giờ.
Một báo cáo về lạm dụng lao động tại các địa điểm ở Qatar được tổ chức nhân quyền quốc tế GLJ-IRLF tổng hợp trước thềm World Cup. Họ đã phỏng vấn hơn 69 công nhân tại 29 khách sạn được FIFA chấp thuận phục vụ World Cup.
Bản báo cáo dài 65 trang, trong đó những người lao động mô tả họ làm việc tới 15 giờ mỗi ngày và đôi khi liên tục trong nhiều tháng mà không có ngày nghỉ. Họ được trả mức lương tối thiểu, tương đương khoảng 1 bảng mỗi giờ theo tiêu chuẩn 9 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Họ cũng không được trả tiền làm thêm giờ.
Trước đó, những người này phải trả hàng nghìn bảng cho người trung gian ở Qatar để kiếm việc làm, điều vốn vi phạm pháp luật ở Qatar. Họ được trả ít hơn nếu đến từ một số quốc gia như Bangladesh, Nepal hay Kenya.
Trong các khách sạn được đề cập ở bản báo cáo, có tên Westin Doha, nơi đội tuyển Brazil đóng quân, bên cạnh khách sạn Souq Al Wakra, nơi tuyển Anh sẽ lưu trú khi thi đấu World Cup.
Nhóm nhân quyền cho rằng Qatar đã thực hiện các bước để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động nhập cư, chẳng hạn như đưa ra các tiêu chuẩn phúc lợi và giảm bớt kiểm soát từ người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhóm nhân quyền nhấn mạnh bất chấp những thay đổi trên, hàng nghìn người vẫn đang phải đối mặt với sự lạm dụng và bóc lột hàng ngày.
Nữ nhân viên người Ấn Độ làm việc ở khách sạn Doha nói: "Chúng tôi không bao giờ được nghỉ ngơi hoặc ngủ đủ giấc khi khách sạn bận rộn. Chúng tôi làm việc như những con robot mà không ăn hoặc uống nước liên tục, đôi khi trong 15 giờ vào mùa cao điểm".
"Các cuộc điều tra của chúng tôi đã ghi nhận những vi phạm nhân quyền và lao động đáng kể đối với người lao động nhập cư bao gồm phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch, quỵt tiền lương, rủi ro về sức khỏe và an toàn, mất việc làm đột ngột đồng thời bị giám sát và trả thù nếu người lao động tiết lộ thông tin", báo cáo nêu rõ.
Qatar đã gây tranh cãi khi nhận quyền đăng cai World Cup vào năm 2010. Kể từ đó, việc chuẩn bị cho giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh bị ảnh hưởng bởi các báo cáo về lạm dụng và ngược đãi người lao động. Hàng nghìn công nhân xây dựng được cho là đã thiệt mạng khi xây những công trình sân vận động, khách sạn phục vụ World Cup.
Theo zingnews