Hai mươi năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học, Kristie Koerbel (sống tại Mỹ) đã nộp đơn vào từng hãng bay với vị trí tiếp viên hàng không.

Vài tháng sau, cô được nhận và bắt đầu hành trình mới. Đây là công việc Koerbel đã mơ ước từ bé nên cô đã đợi rất lâu để đạt được.

Tuy nhiên, khi đại dịch thay đổi cách vận hành của ngành du lịch và những chuyến bay trở nên lộn xộn, cô phải suy nghĩ lại về quyết định của mình.

“Nếu sự kiện 11/9 thay đổi cách chúng ta lên máy bay và vào sân bay thì Covid-19 đã khiến trải nghiệm trên không rất khác so với trước. Nói chính xác hơn, đại dịch đã đẩy sự nghiệp của tôi vào đường cùng. Nó tạo ra căng thẳng và khiến mọi người lo lắng”, Koerbel chia sẻ.

Trong thời kỳ đầu của đại dịch, các hãng hàng không đã cố gắng tiết kiệm tiền nhiều nhất có thể. Họ cho phép nghỉ hưu sớm và sa thải một lượng nhân viên. Một số khác không chịu nổi áp lực đã xin nghỉ để về với gia đình, theo New York Times.

leftcenterrightdel
 

Cảnh tượng đông đúc tại sân bay Heathrow (London, Anh) trong tháng 6. Ảnh:VCG

Áp lực vì thiếu nhân sự

Khi dịch bệnh qua đi và ngành hàng không bắt đầu hồi sinh, hầu hết hãng bay bị thiếu nhân sự để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đặc biệt là lúc quy định về khẩu trang được dỡ bỏ, số lượng người đi du lịch tăng chóng mặt buộc các hãng phải hủy lịch trình vì không thể đối phó được. Không chỉ phi công và tiếp viên mà cả nhân viên mặt đất cũng làm việc quá sức.

Tình trạng thiếu hụt nhân sự bao trùm lên ngành vận tải hành khách.

“Một điều không phổ biến là các tổ bay có giới hạn thời gian làm việc, thường là 12-16 tiếng/ca. Ngoài việc không an toàn, bay lâu hơn mức quy định là bất hợp pháp”, cô nói.

Koerbel cho biết hiện nơi làm việc của cô không có nhiều phi hành đoàn dự phòng, vì vậy lịch trình bị hủy là điều rất dễ diễn ra.

Theo cô, mùa hè luôn là thời gian bận rộn với những người làm trong ngành hàng không. Tuy nhiên, 3 tháng hè năm nay lại trở nên tệ hơn.

leftcenterrightdel
Nhân viên Ryanair đình công tại sân bay El Prat ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào ngày 24/6. Ảnh: AFP 
 
 

Hàng nghìn chuyến bay bị hủy và hoãn mỗi tuần đã đẩy sự ngán ngẩm lên đến cực điểm.

Ở Anh, Heathrow, sân bay nhộn nhịp nhất London, tuần trước đã yêu cầu các hãng cắt bớt lịch bay, vì lượng hành khách cao hơn mức có thể xử lý.

Một số hành khách không biết lịch trình của họ đã bị hủy, trong khi những người khác phàn nàn về việc xếp hàng quá lâu.

Vài hãng giá rẻ đã chủ động loại bỏ hàng nghìn chuyến bay trong mùa này nhằm giảm thiểu nguy cơ mất trật tự.

Theo Stephen Furlong, nhà phân tích cấp cao của công ty quản lý tài sản Davy, khó có khả năng tình trạng lộn xộn như hiện nay sẽ giảm bớt trong những tháng tới.

“Đi chơi vào mùa hè đầy rẫy sự không chắc chắn, cho cả hành khách và đơn vị vận chuyển. Việc trì hoãn và hủy chuyến có thể tác động đến mong muốn nghỉ dưỡng của du khách”, Laura Hoy, nhà phân tích cổ phiếu tại Hargreaves Lansdown, nói với CNBC.

Koerbel đã chứng kiến nhiều người bỏ lỡ những sự kiện đặc biệt như đám cưới, du ngoạn trên biển, cuộc họp quan trọng vì tình trạng này. Với kinh nghiệm làm việc ở độ cao 9144 m, cô khuyên hành khách nên đến sớm và cố gắng đặt chuyến bay thẳng, hạn chế nối chuyến để tránh việc hủy bỏ lịch trình cá nhân.

Sức ép từ 2 phía

Mùa hè năm ngoái cũng được đánh giá là thời gian đen tối của các tiếp viên hàng không Mỹ.

Tại sân bay quốc tế Luis Muñoz Marín ở San Juan (Puerto Rico), khi nhiều chuyến bay bị hủy, vô số hành khách mắc kẹt đã trở nên giận dữ, đập cửa và quát tháo nhân viên.

Tình hình nghiêm trọng đến mức cảnh sát phải hỗ trợ che giấu phi hành đoàn của hãng hàng không Spirit, theo New York Times.

Nhiều tiếp viên của hãng này cho hay họ bị chèn ép từ cả 2 phía - khách hàng và công ty chủ quản.

Ngoài thường xuyên làm việc ca dài hơn 14 tiếng đồng hồ, phục vụ 4-5 chuyến bay/ngày, họ không có đủ thời gian để ngủ và bị cấm nghỉ phép dù mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe.

Không chỉ tiếp viên hàng không, nhân viên an ninh sân bay cũng hứng chịu hậu quả của nhu cầu du lịch bị dồn nén trong đại dịch. Với nhiệm vụ kiểm tra hành lý, họ buộc phải xoay xở với lượng người làm ít ỏi nhưng hành khách lại quá đông.

Việc không đảm bảo môi trường làm việc an toàn và thỏa thuận về lương đã dẫn đến một cuộc đình công phối hợp của các tiếp viên hàng không Ryanair ở nhiều quốc gia châu Âu.

“Trong tháng 6, nhiều đồng nghiệp của tôi đã kiệt sức. Mức lương cơ bản của chúng tôi là 854 euro (900 USD), vậy quy đổi ra chỉ có 8,5 euro/giờ”, Damien Mourgues, đại diện công đoàn SNPNC tại Ryanair, nói.

Tại Transavia (Pháp) và Volotea (Tây Ban Nha), khả năng xảy ra các cuộc đình công vào mùa hè ngày càng tăng.

Claudia de Coster, tiếp viên kiêm đại diện công đoàn Setca-FGTB của Bỉ, cho biết ở Brussels Airlines, nhân viên đang tạm ngưng làm việc từ ngày 24/6 khi một thành viên phi hành đoàn phải bay trung bình từ 50-60 giờ trong 5 ngày, theo Global Times.

leftcenterrightdel
Nhiều tiếp viên hàng không mệt mỏi với tình trạng quá tải và gây rối của hành khách. Ảnh: CNN 

“Chúng tôi có ít người hơn tại trạm kiểm soát an ninh. Điều đó khiến tất cả phải làm việc nhanh hơn. Gần đây công ty đã thuê thêm 17 người, nhưng họ chỉ làm một ngày rồi không quay trở lại”, Said Abdou, một nhân viên tại sân bay Paris Orly, chia sẻ.

Abdou tiết lộ 8 đồng nghiệp của anh đã kiệt sức vì bị từ chối cho nghỉ vào mùa hè này.

Tuần trước, một cuộc đình công của nhân viên an ninh tại sân bay Zaventem của Brussels (Bỉ) đã dẫn đến việc nơi này phải hủy tất cả chuyến bay trong ngày.

Theo Zing