Qua những thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh, Bộ LĐ-TB&XH vừa có chỉ đạo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới: đơn vị nào để người lao động khó tiếp cận, thu phí quá cao tạo ra gánh nặng tài chính vượt quá khả năng của người lao động, có tỉ lệ lao động bỏ trốn vượt quá 5% sẽ bị dừng, không được tiếp tục đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn nữa trong quá trình tuyển chọn lao động. Doanh nghiệp khâu nào cũng muốn có lãi thì không ổn, vì như thế sẽ muốn bỏ qua những khâu chuẩn bị, đào tạo... mà chỉ tập trung vào việc tuyển dụng và thu phí. Cách làm đó đang được bộ yêu cầu các doanh nghiệp chấn chỉnh, yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán lại, tăng cường trách nhiệm hơn đối với người lao động.

“Có nhiều việc phải làm để chấn chỉnh tình trạng này, nhưng trong đó tôi cho rằng cấp bách và cần thiết nhất là phải minh bạch mọi thông tin liên quan đến tuyển dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để người lao động có nhu cầu phải được dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, không thực hiện thông qua môi giới, trung gian” - ông Diệp nói.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, đó là việc mà Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thực hiện ngay một cách nghiêm túc để người lao động khi nghĩ đến việc xuất khẩu lao động là chỉ tìm đến những đầu mối có trách nhiệm, các nguồn thông tin chính thức và đầy đủ, thay vì phải tìm đến những cò mồi trung gian.

Trước hết, website của Cục Quản lý lao động ngoài nước phải làm được việc đó. Trang web này hiện đã đăng tải các thông tin về lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng cần cải tiến đăng tải thông tin đầy đủ, chi tiết hơn, phải công khai, minh bạch nội dung từng hợp đồng được cục cấp phép, có thông tin đầy đủ về những công ty được phép tuyển dụng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Đồng thời phải công bố công khai, chi tiết cụ thể chi phí, quy trình tuyển chọn, các yêu cầu mà người lao động phải đáp ứng được để hạn chế tình trạng môi giới, trung gian lợi dụng việc người lao động không nắm rõ thông tin, không biết hết quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài, để thu thêm chi phí, làm khó hay lừa đảo người lao động.

Website của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng phải hỗ trợ người lao động bằng cách đăng tải các thông tin hướng dẫn về quy trình đăng ký, tuyển dụng, cảnh báo những nguy cơ bị lừa đảo hay thu phí cao vượt quá quy định...

Theo ông Diệp, về phía người lao động, cách tốt nhất là phải tiếp cận thông tin trực tiếp, qua các kênh chính thức, tìm kiếm thông tin về cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, kiểm tra tư cách đơn vị tuyển dụng, địa chỉ doanh nghiệp, mức phí... qua trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước và của các công ty, không tìm cách “đi đường tắt” qua cò mồi, trung gian.

Theo tuoitre.vn