Việc sử dụng điện thoại di động ở công trường dễ gây mất tập trung, dẫn đến tai nạn lao động - Ảnh: AFP
Đài BFMTV cho biết nghiên cứu được dựa trên báo cáo về các vụ tai nạn trong lao động từ 25.000 doanh nghiệp đang sử dụng 250.000 nhân công ở Bỉ.
Theo ông Philippe Nimegeers - người phụ trách về an toàn và lời khuyên cảnh báo của Nhóm S, việc người trẻ nghiện smartphone có góp phần trong tình trạng gia tăng tai nạn trong lúc làm việc ở nhóm đối tượng này.
Ở nhóm nhân công độ tuổi này, tình trạng bất cẩn trong lúc làm việc thường là do quá mải mê với chiếc điện thoại của mình. "Trong một số tình huống lao động, chỉ cần lơ đễnh là cũng nguy hiểm đến tính mạng người làm", chuyên gia Nimegeers giải thích.
Phần lớn các doanh nghiệp ở Bỉ đều thực thi các biện pháp giúp người lao động nói chung, đặc biệt là người lao động trẻ, tập trung vào công việc và tránh những hành vi có thể gây nguy hại cho bản thân trong quá trình làm việc. Nhưng thực sự các chủ doanh nghiệp đều thừa nhận không thể giám sát mọi trường hợp.
Theo ông Philippe Nimegeers, để tránh tình trạng tai nạn lao động gây nguy hại, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả cá nhân người lao động lẫn tập thể.
"Luật quy định sau khi phân tích mọi tình huống dẫn đến nguy cơ, thì trước tiên buộc phải thực thi các biện pháp dành cho tập thể. Nếu các biện pháp này vẫn chưa đủ hiệu quả thì phải thực thi các biện pháp hướng đến cá nhân, chẳng hạn như trang bị các thiết bị bảo hộ cho cá nhân. Còn trong trường hợp gây mất tập trung như đã thấy thì chủ sử dụng lao động hoàn toàn có quyền đưa ra quy định ‘Cấm sử dụng điện thoại di động khi làm việc’", ông nêu gợi ý.
Nghiên cứu trong 10 năm cũng cho thấy tổng số vụ tai nạn lao động nhìn chung đã giảm đi 58% trong cùng kỳ.
Một yếu tố khác cũng đáng chú ý là người mới vào làm dễ bị tai nạn hơn: 40% các nạn nhân những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng là những người mới vào làm chưa được một năm.
Theo chuyên gia Philippe Nimegeers, đây là hệ quả của chuyện học ở trường khác với làm việc thực tế ngoài đời, đặc biệt với những người học nghề để làm việc ở công trường.
Theo Tuổi Trẻ