Du học sinh học tiếng Nhật Bản

Bùng nổ thị trường du học Nhật Bản

Bà Bùi Thị Minh Nga, Trưởng phòng Quản lý giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2015 là thời điểm bùng nổ thị trường tư vấn du học Nhật Bản với số tổ chức dịch vụ tư vấn du học chuyên về thị trường này lên đến 169 đơn vị. Các tổ chức này chủ yếu giới thiệu du học sinh sang học tiếng hoặc hệ thống trường đào tạo nghề ngắn hạn, các trường CĐ có liên thông lên ĐH rồi sau đó xin việc làm tại Nhật. 

Các trung tâm này cũng thường kèm thêm dịch vụ giới thiệu việc làm thêm cho du học sinh trong quá trình đào tạo tiếng. Theo bà Bùi Thị Minh Nga, lý do khiến số lượng người sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn du học Nhật Bản tăng là do sức hút mạnh mẽ của thị trường này, cùng với đó, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước cũng nhiều hơn khi các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước có chi phí học tập rẻ hơn các nước châu Âu và châu Mỹ.

Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT, Nhật Bản đang rất “khát” lao động Việt Nam. “Trong chuyến công tác tại Nhật Bản năm 2014, hàng chục doanh nghiệp đã trực tiếp gặp và đề nghị với tôi về việc làm sao để tuyển được lao động Việt Nam chỉ với yêu cầu tốt nghiệp THPT, chưa cần biết tiếng Nhật. Toàn bộ phần đào tạo tiếng và chuyên môn đều do các doanh nghiệp này phụ trách với mức lương không hề thấp: 2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, do Việt Nam và Nhật Bản chưa ký kết hợp tác trong tuyển dụng lao động nên đã xảy ra tình trạng đưa lao động sang Nhật Bản “chui” - bà Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Minh, vừa qua, Cục Đào tạo với nước ngoài đã phối hợp với công an xử lý một số công ty vi phạm khi trá hình đưa cả trăm học sinh đi du học nhưng thực chất là sang để đi làm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam.

Phòng ngừa rủi ro

“Hiện chưa có cơ quan nào đưa ra những thông tin chính thức và đầy đủ về du học Nhật Bản. Hơn nữa, chưa có cơ quan giáo dục nào của Nhật Bản đưa ra chế độ kiểm tra đánh giá trình độ của du học sinh trước khi sang Nhật” – bà Bùi Thị Minh Nga băn khoăn. Trong khi đó, một số tổ chức dịch vụ tư vấn du học đã lợi dụng việc thiếu nguồn thông tin chính thức, đưa thông tin không chính xác về du học Nhật Bản. Đặc biệt, các công ty này thường đánh vào tâm lý người học muốn có cơ hội làm thêm với lời quảng cáo đi học nhưng có thể kiếm được nhiều tiền, giúp trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt, thậm chí còn tiết kiệm được tiền gửi về nhà.

Ông Cao Sơn Giang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ 3Q, đơn vị chuyên đào tạo tiếng Nhật ở Hà Nội cho rằng để có thể thích nghi với cuộc sống tại Nhật Bản, học viên phải có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có năng lực làm việc nhóm. Học viên cần biết họ không chỉ phải học tiếng Nhật mà phải đặc biệt chú trọng đến rèn luyện ý thức, kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn, nền nếp học tập và sinh hoạt. 

Riêng với Trung tâm đào tạo ngoại ngữ 3Q, để đào tạo được những học viên thực sự thích hợp với môi trường làm việc, học tập ở Nhật thì trung tâm tập trung vào rèn luyện học viên với nội quy quản lý nghiêm ngặt như quân đội. 

Liên quan đến vấn đề đào tạo và đưa du học sinh sang Nhật Bản, bà Bùi Thị Minh Nga cảnh báo, một số tổ chức dịch vụ tư vấn du học không có uy tín,  không đủ khả năng thẩm tra hồ sơ, dẫn đến hồ sơ của học sinh bị làm giả hoặc làm sai lệch, gây nhiều rủi ro khi du học sinh sang đến Nhật Bản. Các em nên tìm đến những địa chỉ tin cậy, đồng thời phải hiểu rõ quy định làm thêm ở nước này. Để giảm thiểu những rủi ro đến từ hoạt động tư vấn du học kém chất lượng, bà Nguyễn Thị Thanh Minh cho rằng Hà Nội cần khoanh vùng những đơn vị chuyên về tư vấn du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường kiểm tra. Đặc biệt khi có phản ánh từ dư luận thì cần có sự vào cuộc đầy đủ của các ngành, xử lý triệt để, tránh gây tổn thất lớn cho người sử dụng dịch vụ.

Theo anninhthudo.vn