leftcenterrightdel
Văn phòng quản lý lao động EPS tại Hàn Quốc thường xuyên tổ chức gặp mặt, tư vấn pháp luật cho lao động Việt Nam 

 

Sự việc hàng trăm người lao động (NLĐ) "vây" Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) sau khi không được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc như thỏa thuận, đã tiếp tục rộ lên dấu hiệu lừa đảo đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đem con bỏ chợ

Theo phản ánh của NLĐ là nạn nhân của vụ việc trên, sau khi nộp hồ sơ, đóng khoảng 13.000 USD (hơn 300 triệu đồng) thì được phía công ty thông báo lịch bay lần đầu vào tháng 6-2024. Sau đó lịch bay được dời lại vài lần và chốt lịch vào khuya 22-9.

Thông tin tập trung, đưa đón và lịch bay lần này được công ty thông báo bằng văn bản và gửi cho hơn 200 người. "Đa số chúng tôi là lao động ở các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình mong muốn sang Hàn Quốc làm xây dựng kiếm tiền. Giờ bỏ hết công việc, chia tay gia đình rồi ra Hà Nội thì không bay được. Tiền thì có thể đòi lại được nhưng công việc đã nghỉ và cú sốc tâm lý thì sao đòi lại" - một nạn nhân bức xúc.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB-XH) Phạm Viết Hương khẳng định Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam không được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

"Đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến số lượng lớn NLĐ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, Dolab đề nghị Công an TP Hà Nội, Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Hương nói.

Cũng liên quan đến thị trường lao động Hàn Quốc, ngày 24-9, Dolab phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc trái phép. Cảnh báo nhấn mạnh thời gian vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh có tình trạng các đối tượng môi giới tiếp cận NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ rồi cung cấp thông tin gian dối, thu tiền trái phép để đưa NLĐ sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp diện visa E8.

Đại diện Dolab khẳng định chương trình đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc là hợp tác trực tiếp giữa các địa phương của hai nước. Trên cơ sở bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn và đưa NLĐ cư trú tại địa phương đó sang Hàn Quốc làm việc. 

Đến nay, 17 tỉnh, thành Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo visa E8.

Như vậy, chỉ NLĐ cư trú tại 17 tỉnh, thành này mới đủ điều kiện sang Hàn Quốc làm việc diện visa E8. Việc triển khai chương trình, tuyển chọn lao động, làm hồ sơ, thủ tục do Sở LĐ-TB-XH của 17 địa phương này thực hiện. Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân hay địa phương khác được phép đưa NLĐ sang Hàn Quốc làm việc thời vụ.

Tỉnh táo với cò mồi

Một thị trường tiềm năng khác trong hợp tác lao động được Bộ LĐ-TB-XH chú trọng trong thời gian tới là Úc cũng đang được NLĐ đặc biệt quan tâm. Ngày 6-9 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc theo chương trình di chuyển lao động giữa Úc và Việt Nam.

Ngay sau đó, hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội, nhất là trên nền tảng TikTok, đăng tải hàng trăm video giới thiệu về chương trình. Trên các video đó, chủ tài khoản thường nhấn mạnh chỉ có 1.000 suất nên kêu gọi NLĐ nhanh chóng nộp hồ sơ để "xí chỗ". Sau khi NLĐ có nhu cầu kết nối để tìm hiểu thì các tài khoản này thông báo kết nối qua số Zalo hoặc Telegram để được hướng dẫn. Mục đích cuối cùng là nhận tiền cọc của NLĐ. Nhiều nạn nhân thiếu thận trọng đã đóng vài chục đến cả trăm triệu đồng rồi mất trắng.

Chị Hồ Thị M. (35 tuổi, quê Long An) cho biết đã chuyển khoản 35 triệu đồng tiền cọc cho một tài khoản TikTok có tên "H…XKLĐ Úc" để giữ chân sang Úc làm việc. Tài khoản này được giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của một công ty XKLĐ có trụ sở ở TP Thủ Đức (TP HCM). Sau khi đóng tiền, chị M. bị đối tượng này chặn số liên lạc thì mới biết mình bị lừa.

Theo Dolab, chương trình đưa NLĐ sang Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đang được hai bên ráo riết chuẩn bị. Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, ngoài Trung tâm Lao động ngoài nước, sẽ có tối đa thêm 6 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia tuyển chọn lao động. Những doanh nghiệp này sẽ được hai bên tuyển chọn kỹ lượng và sớm công bố để NLĐ biết mà ứng tuyển.

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó trưởng Phòng Hàn Quốc - Tây Á - châu Phi của Dolab, nhận định việc nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo XKLĐ là nhức nhối của ngành. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH và Dolab liên tục cảnh báo đến các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và NLĐ nhưng tình trạng lừa đảo vẫn ầm thầm diễn ra.

Theo ông Tuấn, để bảo đảm không bị lừa, NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ cần liên hệ với chính quyền địa phương, đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH của tỉnh nơi mình cư trú để được tư vấn, hướng dẫn chọn thị trường, chương trình phù hợp. 

Nếu ở xa không tiện đi lại, có thể liên hệ qua số điện thoại của các cơ quan này hoặc với chính quyền xã, phường nơi cư trú để tìm hiểu thông tin. NLĐ cũng có thể liên hệ với Dolab theo số điện thoại 0243.8.249.517 (số máy lẻ 511, 304) để tìm hiểu thông tin liên quan hoặc phản ánh thông tin dấu hiệu lừa đảo.

Theo nld