Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ảnh: Hải Nguyễn

Thời gian qua, theo đơn thư bạn đọc,báo Lao Động đã phản ánh về tình trạng nhiều lao động giúp việc tại Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia lâm cảnh “đi dễ khó về”.Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) về vấn đề này.

Thưa ông, thời gian qua báo Lao Động nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh tình trạng người lao động sang thị trường Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, bị đối xử tệ bạc, nợ lương... Phản ứng của Cục Quản lý lao động ngoài nước (CQL) về thực trạng này như thế nào? Hiện cục đã có đánh giá gì?

- Thị trường Trung Đông,trong đó có Saudi Arabia là một trong 5 thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay của chúng ta.Trung Đông là thị trường mới,thu hút đông đảo LĐ.Saudi Arabia hằng năm có khoảng 9,2 triệu LĐ nước ngoài làm việc, trong đó có khoảng 1,5 triệu LĐ làm giúp việc gia đình. Việt Nam đưa lao động sang Saudi Arabia từ năm 2005, đến nay chúng ta có khoảng 16.000 LĐ đang làm việc tại nước bạn, 5.000 LĐ giúp việc gia đình. So với tổng số LĐ giúp việc người nước ngoài tại Saudi Arabia, LĐ giúp việc Việt Nam chiếm khoảng 0,03%.

Tất cả thị trường lao động đều có những rủi ro, vấn đề nhất định: Đài Loan (TQ), Hàn Quốc tỉ lệ lao động bỏ trốn nhiều; Trung Đông nhiều phát sinh rủi ro chính trị... Giúp việc là nghề có đặc thù khác biệt (mỗi chủ nhận một LĐ), như vậy 5.000 LĐ giúp việc tại Saudi Arabia hiện đang ở với 5.000 chủ.

Qua xác minh,CQL chỉ đạo doanh nghiệp, ban quản lý lao động Việt Nam tại Saudi Arabia kiểm tra, phối hợp với phía đối tác ở Saudi Arabia để giải quyết.Năm 2014,ngành chức năng xác minh khoảng 50 vụ việc, trong số đó khoảng 80% phản ánh của LĐ là đúng. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuyển chọn, đào tạo lao động.

Khó khăn nữa là môi trường làm việc của Saudi Arabia rất riêng về văn hóa và khắc nghiệt. Phía người lao động cũng có chủ quan: Đi giúp việc tại Saudi Arabia không mất phí nên nhiều người có tâm lý đi dễ dàng nên đi thử, sang không ưng lại tính tiếp. Nhiều lao động của ta còn giấu bệnh tật trong quá khứ, trước khi đi có thể đỡ bệnh, sang đó lại tái phát...

Sau khi rà soát, những lỗi thuộc về doanh nghiệp chúng tôi đều xử lý, chấn chỉnh, xử phạt như tạm dừng cho phép đưa LĐ đi, phạt tiền...Riêng giúp việc gia đình, đến nay Saudi Arabia chỉ ký thỏa thuận chính thức với Indonesia,Việt Nam và một vài quốc gia khác.Với lao động giúp việc, thủ tục xin về khá phức tạp và mất thời gian: Chờ tìm người thay thế, DN bồi thường hợp đồng, hoàn thiện thủ tục,...

Số quốc gia ký thỏa thuận chính thống đưa lao động giúp việc sang Saudi Arabia chỉ tính trên đầu ngón tay, tuy nhiên vừa qua Indonesia đã có lệnh cấm lao động nước này sang giúp việc tại Saudi Arabia với lý do “bảo vệ phẩm hạnh phụ nữ”. Chúng ta thì sao, thưa ông?

- Việc ký thỏa thuận hợp tác lao động không có nghĩa chúng ta phải đẩy mạnh nhiều hơn mà là tạo cơ sở pháp lý để 2 bên phối hợp bảo vệ quyền lợi người LĐ;tạo thêm thị trường cho người LĐ lựa chọn. Chúng ta không phải cố gắng để đưa bằng được lao động đi.

Hiện có bao nhiêu DN bị xử phạt? Công tác thanh, kiểm tra DN tiến hành thế nào, thưa ông?

- Sau khi nhận, rà soát các phản ánh, chúng tôi tiến hành xác minh. Nếu DN không có cán bộ quản lý lao động tại thị trường đến sẽ không cho đưa LĐ đi.Chúng tôi chỉ đạo cả DN và cơ quan quản lý địa phương phải quản lý khâu tuyển chọn kỹ hơn. Riêng Saudi Arabia, một số DN vi phạm,tiêu biểu như Cty Vĩnh Cát, từ đầu năm 2015, đã không cho phép đưa LĐ đi. MộtsốDNbịphạthàngtrăm triệu đồng, thậm chí Cty Taylo bị phạt tới hơn 300 triệu đồng.

Thưa ông, số LĐ Việt Nam tại Saudi Arabia đều có hoàn cảnh khó khăn. Ông có khuyến cáo gì cho họ?

- Một mặt DN vẫn phải làm nghiêm để đảm bảo kỷ luật, mặt khác nếu người LĐ có lý do chính đáng để về nước thì phải thanh lý hợp đồng trên cơ sở xem xét hoàn cảnh người LĐ để hướng dẫn, hỗ trợ họ. Tuy nhiên, mọi vấn đề phải được xem xét thấu đáo, người LĐ khi đi đã không mất phí gì, không thể vi phạm lại trở về như không để DN giải quyết hậu quả. Trước tiên, người LĐ phải chấp hành đúng hợp đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo laodong.com.vn