leftcenterrightdel
 Thực tập sinh của Esuhai Group xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc

Nhiều năm gần đây, Nhật Bản liên tiếp là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất và người Việt đang là lực lượng lao động người nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản. Trong số 28.429 người lao động (NLĐ) Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong 2 tháng đầu năm 2023 có 12.473 người chọn Nhật Bản là điểm đến.

Sang nước khác để thi!

Khi chương trình kỹ năng đặc định (KNĐĐ) được chính phủ Nhật Bản thông qua và triển khai từ năm 2019 đã mở ra cơ hội cho NLĐ Việt Nam muốn sang Nhật Bản làm việc lâu dài, trong đó có cả những thực tập sinh (TTS) đã về nước có cơ hội quay lại Nhật Bản thêm một lần nữa.

Tại Đông Nam Á, các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Philippines, Myanmar đã tổ chức nhiều kỳ thi của chương trình này cho NLĐ.

Anh Hà Văn Tám (29 tuổi, quê Thanh Hóa), sang Nhật Bản vào giữa tháng 2 vừa qua theo diện KNĐĐ, cho biết nếu kỳ thi được tổ chức tại Việt Nam thì anh và các bạn không phải tốn mỗi người hơn 25 triệu đồng để sang Indonesia thi đánh giá KNĐĐ. Anh Tám từng là TTS về nước từ năm 2019. Thời điểm đó, Nhật Bản cho triển khai chương trình KNĐĐ nên anh Tám hy vọng sớm quay lại nước này để tiếp tục làm việc nhưng đã chờ rất lâu vẫn không tìm thấy thông tin Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi này. "Doanh nghiệp (DN) tiếp nhận bên Nhật gợi ý tôi nộp hồ sơ qua Indonesia để thi cho kịp đợt tuyển dụng đầu năm 2023. Vì thế, tháng 9 năm ngoái, tôi và nhóm 5 cựu TTS khác đã hoàn thành kỳ thi tại Indonesia, tất cả đều đậu và sang Nhật làm việc" - anh Tám nói.

Đang lưỡng lự có nên bỏ ra 12 triệu đồng để sang Campuchia tham gia kỳ thi KNĐĐ vào cuối tháng 3 dù hồ sơ đã được chấp thuận, chị Lương Thu Hương (27 tuổi, quê Kon Tum) kỳ vọng Việt Nam sớm tổ chức để đỡ tốn tiền. Chị Hương từng là TTS ngành đóng gói thực phẩm - một trong 14 ngành nghề TTS được chuyển đổi sang chương trình KNĐĐ - nên khi về nước năm 2020, chị đã chờ đợi để được quay lại Nhật Bản. "Tôi tìm hiểu rất kỹ chương trình KNĐĐ rồi chờ đợi được thi nhưng chưa thấy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo. Sốt ruột quá nên tôi đăng ký dịch vụ qua một công ty tại TP HCM nhưng chi phí để qua Campuchia nhiều quá nên tôi chưa quyết định" - chị Hương bộc bạch.

Phó giám đốc một DN dịch vụ tại TP HCM cũng vừa dẫn 12 học viên sang Indonesia tham gia kỳ thi KNĐĐ. Ông tiết lộ đây là đoàn thứ 3 của DN kể từ năm 2022, khi Indonesia tiến hành các kỳ thi cho NLĐ tham gia chương trình KNĐĐ tại Nhật Bản.

"Chi phí để một học viên sang Indonesia thi khoảng 1.200 USD. Khá tốn kém nhưng không còn cách nào khác. NLĐ cũng chấp nhận bởi đi theo diện này có mức lương khá cao, nhiều đãi ngộ, thời gian làm việc được kéo dài đến 5 năm và có thể gia hạn" - phó giám đốc này cho biết.

Sẽ tổ chức trong năm nay

Đại diện một DN phái cử lao động khá lớn tại TP HCM cho biết chương trình KNĐĐ dành cho NLĐ có trình độ, tay nghề và tiếng Nhật nhất định. Chương trình này tạo điều kiện cho NLĐ đã và đang làm việc tại Nhật Bản nhưng ưu tiên nhất cho số TTS đã về nước sau khi kết thúc 3 năm làm việc tại Nhật. Tuy nhiên, để sang Nhật theo diện KNĐĐ, NLĐ phải trải qua kỳ thi gồm thi tay nghề và năng lực sử dụng tiếng Nhật.

Hiện các DN tại Nhật Bản có xu hướng tuyển lao động diện KNĐĐ bởi yêu cầu đầu vào cao và thời gian làm việc dài hơn TTS. Vì vậy, theo đại diện các DN phái cử, nếu Việt Nam chậm triển khai chương trình này sẽ mất nhiều cơ hội trong hợp tác lao động giữa hai nước. Các nghiệp đoàn Nhật Bản sẽ chuyển hướng sang những nước khác, như vậy NLĐ Việt Nam sẽ thiệt thòi.

Nói về việc chậm trễ trên, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết chương trình KNĐĐ do Nhật Bản ký thỏa thuận song phương với một số nước nên các nội dung đàm phán cũng khác nhau. Vì vậy, khâu đàm phán các nội dung liên quan phải thực hiện theo từng bước cụ thể, có lộ trình. Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn đang trao đổi với phía Nhật Bản về vấn đề kỹ thuật để tổ chức kỳ thi trong thời gian tới.

Liên quan việc một số NLĐ Việt Nam phải sang các nước lân cận để thi nếu muốn tham gia chương trình KNĐĐ, ông Hương cho rằng đó là sự lựa chọn của NLĐ khi trong nước chưa tổ chức thi thì có thể linh động như vậy để sớm sang Nhật Bản làm việc. Ông cũng tiết lộ trong tháng 3 này, đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ sang làm việc với phía Việt Nam để thống nhất các bước cuối cùng, chuẩn bị tổ chức kỳ thi KNĐĐ. 

Thái Lan có chính sách mới cho lao động nước ngoài

Chính phủ Thái Lan vừa chính thức thông báo chính sách mới về việc quản lý NLĐ nước ngoài làm việc sau ngày 13-2-2023. Theo đó, NLĐ nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn vào ngày 13-2 sẽ được ở lại Thái Lan làm việc đến ngày 15-5 với điều kiện phải nộp đơn xin gia hạn giấy phép lao động chậm nhất vào ngày 13-2 và thanh toán phí đúng hạn. Ngoài ra, NLĐ nước ngoài phải nộp tất cả giấy tờ cần thiết chậm nhất là ngày 15-5 để được phép làm việc và ở lại Thái Lan cho đến ngày 13-2-2024. Trong trường hợp có nhu cầu, NLĐ sẽ được phép tiếp tục ở lại làm việc đến ngày 13-2-2025.

Theo nld