Chỉ 11,6% lao động Việt Nam có kỹ năng cao
Cập nhật lúc 00:26, Chủ nhật, 13/11/2022 (GMT+7)
Với tỉ lệ lao động kỹ năng cao chỉ đạt 11,6%, lao động Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh hơn so với một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Malaysia.
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đưa ra tại hội thảo "Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số" vừa diễn ra tại TP Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng tại Việt Nam, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất hiện đặt ra thách thức đối với thị trường lao động. Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, có 3 nhóm giải pháp trọng tâm cần được thực hiện đồng bộ gồm: Áp dụng công nghệ, số hóa kết nối cung - cầu lao động; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ) đáp ứng yêu cầu mới.
Chuyển đổi số tạo ra nhiều biến động trong thị trường lao động
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính nếu tỉ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp, không đáp ứng tốc độ phát triển chuyển đổi số thì khoảng 2 triệu việc làm tại nước ta sẽ bị mất (tính đến năm 2045). Chuyên gia việc làm của World Bank cho rằng khả năng, kiến thức, thói quen làm việc cho phép NLĐ tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với NLĐ trong các hình thái và tính chất công việc không ngừng thay đổi. Tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi NLĐ phải có kiến thức về kỹ năng số.
Theo nld