Ảnh minh họa

Thụy Điển: người lao động được nghỉ nhiều nhất châu Âu

 Có thể nói người lao động Thụy Điển rất tự hào khi họ là quốc gia đứng đầu châu Âu về số lượng ngày được nghỉ có trả lương.Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức cải thiện điều kiện sống và làm việc (phối hợp cùng Liên minh châu Âu),người lao động Thụy Điển thường có các kỳ nghỉ với tổng cộng khoảng 33 ngày trong 1 năm (nếu tính cả những ngày nghỉ thuộc diện ngày lễ,Tết của quốc gia thì họ có khoảng 7 tuần).Nếu so sánh riêng trong châu lục thì Đức chỉ có 30 ngày nghỉ, Italy 28 ngày và Estonia chỉ có 20 ngày.Còn nếu so sánh rộng hơn, theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế Washington, nước Mỹ còn kém xa khi chỉ có 9 ngày nghỉ mà thôi.

Vì vậy, chuyện đi nghỉ của người lao động Thụy Điển từ nhiều năm nay đã trở thành một sự kiện quan trọng. Đúng là chính sách ưu đãi này của Chính phủ đã mang lại sự thoải mái và cả “tự hào” cho người lao động, song không phải là không bất tiện.Đã sang thế kỷ XXI, thời giờ là vàng bạc, song cứ vào “mùa nghỉ” ở Thụy Điển, đa số các cửa hiệu đóng cửa, còn nếu gọi điện đến các công sở người ta chỉ nghe thấy những tiếng chuông reo liên hồi mà không có người nhấc máy.

Chính phủ hiện chưa bàn tới chuyện cắt giảm số lượng ngày nghỉ, nhưng bắt đầu có đề nghị “giãn” những kỳ nghỉ để không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sản xuất và đời sống. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng cần phải giảm bớt số ngày nghỉ của người lao động. Nhưng liệu lập luận đó có thắng được thói quen đã đi cùng họ hàng chục năm qua hay người lao động vẫn trung thành với quan điểm “dù sao vẫn cảm thấy thoải mái và làm việc tốt hơn nếu họ được ‘sạc pin’ đầy đủ”!

 Mỹ có Nữ thần Tự do

Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có lịch sử gắn bó chặt chẽ với những dòng người nhập cư nhiều như nước Mỹ. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ XX, hơn 13 triệu người đã đến Mỹ. Cuộc thống kê dân số đầu tiên năm 1790 đã ước tính dân số Mỹ là 3.929.214 người, trong đó gần một nửa dân số của 13 bang đầu tiên có nguồn gốc từ nước Anh; 1/5 dân số Mỹ là những nô lệ châu Phi, phần còn lại là người Scotland, Ireland, Đức, Hà Lan, Pháp…

Mặc dù làn sóng nhập cư khổng lồ vào Mỹ hàng năm gây ra những căng thẳng về xã hội cùng với những lợi ích về kinh tế và văn hóa cho nước Mỹ,nhưng thời nào cũng vậy, người có trình độ tay nghề cao ở Mỹ luôn được ưu đãi. Người lao động Mỹ,đặc biệt là giới lao động có tay nghề cao, có vẻ có cuộc sống ít nhất cũng ngang bằng với những người lao động trong khu vực công nghiệp ở châu Âu.

Tất nhiên, ở Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác, đều thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ ở các công sở, cũng có bộ luật quy định về thu nhập, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nói chung dễ tìm việc làm, nhưng cũng dễ mất việc làm... Song điều hấp dẫn lao động ngoại nhập có lẽ là niềm tin vào tượng Nữ thần Tự do đang đứng sừng sững như một biểu tượng cho nước Mỹ khi bà giương cao ngọn đuốc trước chiếc cổng vàng chào đón những con người đang nóng lòng được hít thở bầu không khí tự do.

 Đan Mạch tích cực hóa nguồn lực lao động

 Khác với các nhà nước phúc lợi xã hội châu Âu, trọng tâm của chính sách việc làm ở Đan Mạch là tích cực hóa nguồn lực lao động chứ không phải trợ cấp cho những người thất nghiệp. Nét đặc biệt của chính sách tích cực hóa thị trường lao động của Đan Mạch là nhấn mạnh giáo dục và đào tạo. Chẳng hạn như nó đưa tầng lớp thanh niên vào các chương trình bồi dưỡng và việc làm mới. Người thất nghiệp có nghĩa vụ tham gia thực hiện biện pháp tích cực hóa, nếu không anh ta sẽ nhanh chóng mất quyền được hưởng trợ cấp xã hội. Nhưng bản thân anh ta cũng có quyền đề nghị với cơ quan quản lý thị trường lao động cho phép thực hiện biện pháp tích cực hóa phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. Chính sách này khuyến khích người lao động tích cực hưởng ứng các chương trình đào tạo để có thể thích ứng được với những đòi hỏi đang biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

Công bằng mà nói, với chính sách này,Đan Mạch rất thành công trong việc thu hút lao động tham gia vào thị trường lao động.Với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt mức rất cao so với quốc tế và có tỷ lệ người thất nghiệp thấp nhất trong tổ chức OECD. Còn nhìn rộng hơn,Đan Mạch là nước có những khoản chi xã hội lớn nhất, có tỷ lệ nghèo thấp nhất và mức chênh lệch thu nhập rất vừa phải, đặc biệt loại trừ được tình trạng đẩy con người ra bên lề xã hội.

 Anh coi trọng phúc lợi cho người lao động

 Ở Anh, các khoản thu thuế vượt trội được dành để tài trợ cho các chương trình đặc biệt về giáo dục, việc làm và y tế. Chính phủ nước này bắt đầu cải tổ hệ thống thuế theo hướng bỏ hẳn hoặc bỏ gần hết thuế thu nhập đánh vào khu vực lương thấp. Với một hộ gia đình có ít nhất một người làm việc toàn phần sẽ được bảo đảm mức thu nhập tối thiểu là 10.000 bảng Anh. Dưới mức đó thì thu nhập gia đình sẽ được bù.

Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu cải tổ, từ năm 1996 đến 1999, việc làm ở Anh đã tăng 1,03%, tăng nhanh hơn các nước thuộc liên minh kinh tế và tiền tệ (WWU). Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh từ 8,7% (1996) giảm xuống còn 6,3% (1998)…

 Trung Quốc tập trung hạ tầng và năng suất lao động

 Có thể kết luận rằng hạ tầng và năng suất lao động giúp Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”. Ngân hàng Thế giới nhận xét rằng: “Trung Quốc, đất nước với mức lương của thế giới thứ ba, nhưng chất lượng hạ tầng tương đương của thế giới thứ nhất”.

Thật vậy, ngày nay, cả thế giới phải công nhận Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền công nghiệp phát triển trên thế giới, thậm chí, các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới đều tập trung ở Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ chính sách phát triển quốc gia, chính sách quan tâm đến nền công nghiệp, người lao động và những lợi nhuận tương đối song hành.

Đối với những lao động ở khu vực nhà nước, ngay từ những năm 1990, tuy mức hỗ trợ còn khiêm tốn, nhưng đều được sắp xếp chỗ ở tập thể (với lao động còn độc thân) hay nhà riêng (nếu đã có gia đình), được bảo hiểm y tế, thậm chí còn được phân phát đồ dùng gia đình như TV, điện thoại, xe đạp… Sau này, khi nền công nghiệp tư nhân của Trung Quốc phát triển, người lao động có chiều hướng làm việc nhiều hơn trong khu vực này do có thu nhập cao hơn, tuy nhiên số giờ làm việc tại khu vực tư nhân nhiều hơn so với thời gian làm việc tại khu vực nhà nước.

Nhưng điều đặc biệt là Trung Quốc có chính sách khuyến khích đối với các khu công nghệ cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ở khu vực này được đối xử khác hẳn so với đội ngũ lao động thông thường. Ngoài lương cao, họ được Chính phủ ưu tiên với nhiều chính sách ưu đãi về nhà ở, hạ tầng, y tế và các loại bảo hiểm khác.

 Singapore: trọng người tài

 Người Singapore thích nói câu “tiền nào của nấy” vì họ tin rằng chỉ có nhờ sử dụng lao động chất lượng cao,Singapore mới có thể làm ra hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao.

Là nước được tạo dựng nên từ những người nhập cư, nên Singapore chào đón tất cả những ai có thể đóng góp phần mình vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, với dân số quá ít (4,5 triệu dân), tỷ lệ sinh liên tục sụt giảm, Singapore rơi vào cuộc khủng hoảng dân số. Rõ ràng, tình trạng dân số cũng như nguồn lực lao động bị “co lại” sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân tài. Chính vì thế, trong suốt những năm qua, thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Singapore. Thậm chí, cốë Thủ tướng Lý Quang Diệu còn đưa ra khẳng định táo bạo: “Nếu một ngày nào đó, bộ máy chính quyền Singapore toàn là người có xuất xứ nước ngoài cũng không có gì quá ngạc nhiên”.

Chính phủ Singapore tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước này chứ không phân biệt quốc tịch, chủng tộc của người nhập cư. Singapore có quy định rõ ràng, lương của lao động bình thường ở Singapore chỉ khoảng 2.000USD/tháng hoặc cao hơn chút ít. Còn với lao động nước ngoài có kỹ năng, tay nghề, ngoài việc được hưởng lương theo mức của các nhân tài, họ còn được phép đưa người thân sang sống cùng. Họ được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singapore chỉ trong... vài ngày. Đây là tốc độ nhập tịch nhanh chóng mặt mà bất cứ người nhập cư nào cũng thèm muốn. Song đi liền với đó, Singapore cũng hạn chế lao động nước ngoài không có tay nghề bằng việc chi trả thu nhập thấp, không được phép đưa người thân sang sống cùng.Những chi phí khác cho dịch vụ xã hội của họ cũng cao hơn người bình thường…Theo quy định,ở Singapore, lao động có tay nghề thấp có mức lương dưới 2.500 dollar Singapore (khoảng 1.500USD).

Với chính sách ưu đãi người tài, quả thật, chỉ có khoảng 4,5 triệu dân, nhưng Singapore có tới 1 triệu người lao động nước ngoài và đặc biệt, những người lao động nước ngoài này lại tạo ra tới 41% GDP cho quốc đảo.

Bên cạnh việc trọng dụng người tài, Singapore còn rất coi trọng xây dựng hạ tầng cơ sở và giữ môi trường trong sạch. Ví dụ, các khu nhà ở của công nhân cũng được bố trí liền kề với khu công nghiệp, nên thuận lợi cho việc đi lại của công nhân, bảo đảm tiết kiệm thời gian tăng năng suất lao động…

                                                                                    Theo daibieunhandan.vn