Cô sinh viên Dương Thị Thùy Linh là nữ sinh viên được chọn lựa cho kỳ thi tay nghề quốc gia của Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH
"Nếu mẹ có biết con đang theo ngành mẹ không muốn, cho con xin lỗi vì mấy năm nay giấu mẹ đi học. Mẹ hãy tin tưởng ở con, con sẽ chứng minh cho mẹ thấy quyết định của con là đúng, có thể tự lo cho cuộc sống với tay nghề đã chọn", Dương Thị Thùy Linh (21 tuổi, sinh viên năm 2 khoa Điện - Điện tử, Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) gửi đến mẹ lời xin lỗi sau bao năm bươn chải nơi thủ đô.
Rẽ hướng học nghề
Đạt học lực giỏi lớp 12, nhưng Linh quyết tâm rẽ hướng học nghề. Dù lúc ấy bà Hà - mẹ Linh chỉ ao ước con thi vào sư phạm, cũng bởi đỗ sư phạm sẽ không mất tiền học phí, đỡ phần nào chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Không có bố, một tay mẹ nuôi hai chị em ăn học, Linh hiểu dù mẹ có gắng sức đến mấy thì với mức lương công nhân ít ỏi chẳng thể lo nổi nếu cô bước vào cánh cổng đại học.
"Tôi quyết định đi học nghề, có nghề trong tay sau này mới sống được. Thuyết phục mãi, mẹ cũng đồng ý nhưng với điều kiện tôi phải học nghề chăm sóc sắc đẹp", Linh nhớ lại.
Ngày trường sư phạm gửi giấy báo trúng tuyển, bà Hà tức tốc gọi con gái về nhập học nhưng Linh thuyết phục mẹ cho em tiếp tục theo đuổi trường nghề.
"Tôi nghĩ nếu học đại học, mẹ sẽ không trang trải được cho cả hai chị em, nên nếu chọn nghề sẽ tốt hơn", Linh quả quyết. Khoảng thời gian đầu, cô vừa học vừa xin bán hàng ca đêm ở một shop quần áo trẻ em để trang trải cho cuộc sống nơi thủ đô.
18 tuổi rẽ hướng học nghề, nhưng được nửa học kỳ Linh nhận thấy đam mê ngành kỹ thuật vẫn luôn thôi thúc. Cô giấu mẹ rút hồ sơ nghề chăm sóc sắc đẹp, đợi sang năm sẽ nộp lại hồ sơ thi tuyển ngành kỹ thuật.
Linh bộc bạch học nghề một thời gian, nhận thấy ngành kỹ thuật là mũi nhọn, được học song song cả lý thuyết và thực hành mà học phí lại không đắt đỏ. Rút hồ sơ học, cô tự bươn chải suốt một năm trời kiếm tiền đóng học phí cho năm học tới.
Tháng 7 năm sau, Dương Thị Thùy Linh trúng tuyển vào ngành Điện công nghiệp, khoa Điện - Điện tử, Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, là nữ sinh viên duy nhất của lớp mạnh dạn đăng ký học chuyên ngành này.
Nghề điện vốn đã cực, đôi tay của Linh chai sần đi - Ảnh: HÀ THANH
Luyện tay nghề nhờ thi đấu
Nghề điện vốn đã cực, đòi hỏi sức vóc, mới đầu Linh phải vất vả lắm mới theo kịp được các bạn nam. "Tất cả việc bạn nam làm được thì tôi cũng phải làm được. Mới đầu còn phải bê vác đồ điện rất nặng, nhưng giờ quen rồi", Linh trải lòng.
Vừa học vừa nhận làm thêm cho các dự án điện, cô cũng mang vác nặng, đấu tủ điện chẳng khác gì phái mạnh. Mới đầu chỉ làm hai ngày cuối tuần, dần dần lượng công việc nhiều lên nên hết ca học buổi sáng là chiều đến Linh phải bắt tay ngay vào việc.
Để tránh lãng phí thời gian, bí quyết của cô là lập thời gian biểu mỗi ngày, phân chia các đầu việc cụ thể và quyết tâm đạt mục tiêu hoàn thành công việc đề ra. Ở lớp, Linh nắm chắc kiến thức thầy cô truyền đạt, tối đến sẽ tranh thủ ôn lại bài vở cho buổi học hôm sau.
Suốt mấy kỳ qua, Linh luôn đứng top đầu của lớp, chưa trượt bất kỳ kỳ học bổng nào, luôn đoạt giải nhất trong các cuộc thi tay nghề cấp trường, cấp thành phố.
Cô nhớ quãng thời gian đang làm thêm ở dự án điện, trường gọi cô về tham gia đội tuyển thi đấu tay nghề thành phố Hà Nội. Trong trường có 10 đội đăng ký, đội nào cũng toàn con trai, riêng đội của Linh là 1 nam, 1 nữ. Qua ba phần thi: cơ khí, điện, lập trình, nhóm của Linh xuất sắc đoạt giải nhất nghề Tự động hóa trong kỳ thi tay nghề cấp thành phố năm 2019.
Suốt mùa dịch COVID-19, Linh ở lại Hà Nội tập trung ôn luyện cho kỳ thi tay nghề quốc gia sắp tới - Ảnh: HÀ THANH
"Có lẽ là nữ nên mình chỉn chu hơn trong việc kiểm tra lại bài thi. Ở đội bạn Hà (thành viên đội - PV) nhỉnh hơn về phần lập trình, tôi đảm nhiệm phần cơ khí nặng. Kết quả chung cuộc nhóm tôi đạt 99,8/100 điểm, trong khi có đội bị trừ đến 20 điểm vì lỗi cẩu thả", Linh cho biết.
Thi xong cấp thành phố, ra tết Linh được gọi tham gia ôn luyện cho kỳ thi tay nghề cấp quốc gia. Đúng thời điểm dịch COVID-19, nhưng Linh vẫn bám trụ ở Hà Nội để tiện cho việc ôn tập, thao tác nhuần nhuyễn, lắp đặt trơn tru máy móc.
Đó cũng là quãng thời gian khó khăn nhất sau suốt 3 năm Linh đằng đẵng theo đuổi ước mơ của riêng mình. Cô đành phải gọi về xin mẹ tiền đóng học, tiền sinh hoạt phí… dù mẹ vẫn chưa biết ngành học của cô hiện tại. Cô cũng đến xin ở tạm phòng của chị họ để giảm bớt gánh nặng tiền trọ.
"Tôi dừng việc làm thêm để tập trung ôn luyện nhuần nhuyễn, chắc tay nghề. Với nghề tự động hóa, sinh viên ở trường năm nào cũng phải thi kỳ thi "Tay nghề ASEAN" và đoạt giải. Tôi cũng hướng đến mục tiêu đó. Bây giờ tôi đã tự tin với tay nghề của mình, có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, chứng minh năng lực, tay nghề nhờ những thành tích tốt trong kỳ thi", Dương Thị Thùy Linh quả quyết.
Tháng 8 này, Linh sẽ chính thức bước vào thi đấu tại kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, là phần thi quyết định để tranh tài tại ASEAN.
'Cố học để về sau khỏi cấy ruộng như mẹ' Phải khó khăn lắm mới liên lạc được với bà Dương Thị Thu Hà (49 tuổi, mẹ của Linh) vì công nhân giày da vào ca từ sáng đến chiều, tối đến bà còn tất tả trên đồng cho kịp mùa gặt. "Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ biết làm thuê cuốc mướn. Ngày trước con đỗ đại học, nhưng con nói học đại học ra khó xin việc lắm, học nghề thì có nghề trong tay, người ta thuê mình làm ngay. Mẹ nói thôi giờ con tự chọn, mẹ chỉ biết chắp cánh ước mơ cho con bằng cách là vay mượn cho con đi học, cố gắng học để về sau khỏi cấy ruộng như mẹ". |
Theo tuoitre